70 năm giải phóng Thủ đô

Đề xuất có thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với cán bộ tín nhiệm thấp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 11/5, tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm thể chế hoá Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đề xuất Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch phường

Trình bày tờ trình, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết 85 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó nghị quyết này chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Do đó, Ban Công tác đại biểu đề xuất bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm. Cụ thể, đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định “Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước HĐND quận, thị xã” nhưng không quy định HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.

Trong khi đó, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng quy định “HĐND Thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận”. Vì vậy, để tương đồng với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị tại thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Làm rõ tính khả thi về thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với người có tín nhiệm thấp

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong Dự thảo Nghị quyết.

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Trường Giang, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bỏ cụm từ “nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”, bởi nếu quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc miễn nhiệm đối với người có mức độ tín nhiệm thấp sẽ được thực hiện tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất “nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm” thì sẽ không thể hiện sự uyển chuyển, tính linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo Ủy ban Pháp luật, nên nghị quy định rõ trong dự thảo trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ thì Quốc hội, HĐND thực hiện lấy phiếu một lần đối với các chức vụ mà người đó đảm nhiệm.

Với đề xuất liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định HĐND quận, thị xã ở Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND các phường trực thuộc.

Bên cạnh đó có ý kiến tán thành việc lấy phiếu đối với Chủ tịch UBND phường nhưng đề nghị nên tổ chức việc lấy phiếu đối với chức danh này theo Quy định số 96-QĐ/TW (tại cơ quan công tác), không nên tổ chức việc lấy phiếu tại HĐND. Bởi vì, đây là chức danh hành chính, do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm, không phải do HĐND bầu.

Hơn nữa, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội mới chỉ được thí điểm thực hiện từ năm 2021 đến nay và còn phải chờ quá trình sơ kết, tổng kết để lựa chọn được mô hình phù hợp trước khi thực hiện một cách chính thức.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp đều đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết; đồng thời đề nghị làm rõ nhiều nội dung cụ thể. 

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Quốc hội xem xét theo quy trình một kỳ họp để ban hành.

Tờ trình phải giải trình đầy đủ, thuyết phục về những nội dung mới, các quy định mở rộng, từ tên gọi của dự thảo nghị quyết, khái niệm cho đến thiết kế bố cục và nội dung cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến trong phiên họp hôm nay, nhất là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về làm rõ phạm vi, đối tượng, hệ quả của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ và tính khả thi về thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với người có tín nhiệm thấp, thiết kế các phương án để báo cáo Quốc hội