Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi, vì sao?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi. Theo đại diện Bộ Tư pháp, giới hạn 70 tuổi đối với công chứng viên là phù hợp với thông lệ quốc tế giúp nâng cao chất lượng hoạt động công chứng.

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng cho biết, Luật Công chứng hiện hành không quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đưa vào giới hạn độ tuổi là 70 tuổi nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật, khi quy định về tiêu chuẩn công chứng viên, Điều 8 dự thảo Luật bổ sung điều kiện “không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 12/4. Ảnh: Hồng Thái
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 12/4. Ảnh: Hồng Thái

Nhằm bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Quy định này được lý giải nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên trên 70 tuổi thôi hành nghề.

“Công việc công chứng yêu cầu cao về tính xác thực hợp đồng giao dịch, do đó đòi hỏi năng lực trí tuệ, trí lực, công chứng viên cần đảm bảo điều kiện về sức khỏe và sự minh mẫn. Việc quy định giới hạn tuổi nhằm đảm bảo sức khỏe để đảm nhiệm công việc bởi công chứng viên không phải nghề kinh doanh tự do mà là dịch vụ công được nhà nước ủy nhiệm” - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng chia sẻ

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng, hiện nay, các văn phòng công chứng thuộc Nhà nước thì các công chứng viên đến 60 hoặc 62 tuổi thì nghỉ hưu. Do đó, quy định giới hạn tuổi công chứng viên ở các văn phòng công chứng xã hội hóa tối đa 70 tuổi cũng là phù hợp. Các công chứng viên hành nghề hiện nay từ 70 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa đến 10%. 

“Công chứng là dịch vụ công cơ bản, không phải hoạt động kinh doanh bình thường nên dù xã hội hóa nhưng vẫn phải tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng công chứng viên. Giới hạn 70 tuổi cũng là thông lệ quốc tế nhiều nước áp dụng” - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng thông tin.

Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Trịnh Như Tố (quận Hà Đông)
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Trịnh Như Tố (quận Hà Đông)

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên như quy định của dự thảo Luật. 

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến khác. Theo đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên không quá 65 tuổi. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của công chứng viên vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo Luật giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí xã hội. Ý kiến này đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi.