Đại diện Hội Tưới tiêu Việt Nam trình bày nghiên cứu đề xuất. |
Nội dung đề xuất phương án cấp nước, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Tưới tiêu Việt Nam trình bày là lấy nước trực tiếp từ thượng lưu hồ Hoà Bình để dẫn phục vụ cho hạ du. Kết hợp bổ sung nguồn nước trên sông Đà thông qua cống tưới dẫn nước tự chảy. Sau khi có hệ thống nước tự chảy, sẽ phát triển các loại hình dịch vụ khác để đảm bảo đa lợi ích kinh tế - xã hội.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Tưới tiêu Việt Nam, sẽ có 7 tỉnh, TP được hưởng lợi từ dự án cấp nước tự chảy từ hệ thống hồ Hoà Bình, sông Đà. Cụ thể là: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hà Nội. Trong đó, Thủ đô Hà Nội nhận được nguồn nước cấp chủ yếu bằng tự chảy.
ThS Trần Văn Minh (Hội Tưới tiêu Việt Nam) - Chủ nhiệm đề tài, cho biết quy hoạch sơ bộ sẽ có 8 vùng cấp nước theo nhu cầu. Trọng tâm là cung cấp nước cho một số sông, hồ tại Hà Nội (sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, Hồ Tây; các hồ phục vụ phát triển du lịch như: Đồng Mô, Suối Hai). Bên cạnh đó là cấp nước tự chảy hoàn toàn cho sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Bắc Hà Nội; cấp nước cho hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải…
Để triển khai được dự án, nhóm nghiên cứu đề xuất tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 93.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp khoảng 60.000 tỷ đồng, đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 8.000 tỷ đồng, còn lại là kinh phí để hoàn thiện giải pháp từ các điểm chính đến các hộ tiêu dùng. Cũng theo nhóm dự án, tổng diện tích sử dụng cho dự án khoảng 2.500ha. Số hộ cần di dời khoảng 2.500 hộ. Thời gian thực hiện dự kiến trong 10 năm.
Đây là đề xuất mang tính chiến lược nước cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, sớm có chủ trương và cho phép tiến hành nghiên cứu song song với lập quy hoạch. Phối hợp với 6 tỉnh khác được hưởng lợi từ dự án để thống nhất kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện đầu tư.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mục tiêu của đề án nghiên cứu là rất tốt, mang lại đa lợi ích về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai dự án gồm nhiều hợp phần, phức tạp. Nguồn vốn đầu tư cũng rất lớn. Chính vì vậy, trên cơ sở báo cáo của nhóm nghiên cứu và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Sở sẽ tổng hợp, có báo cáo UBND TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT, cũng như các đơn vị liên quan về tính khả thi của dự án.