Cũng tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 5/3, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện trong khoảng thời gian từ ngày 20 - 30/3.
Về nguyên nhân tăng giá điện, Bộ Công Thương đưa ra phân tích hàng loạt các yếu tố tác động tới giá điện 2019. Cụ thể như, về các yếu tố đầu vào của giá điện 2019: Giá than nội địa đã thực hiện điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5%, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỷ đồng; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16/1 cao hơn giá than nội địa, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 1.921 tỷ đồng... Trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các chi phí nhiên liệu được Chính phủ cho phép điều chỉnh đồng bộ khi điều chỉnh giá điện như: Giá than nội địa bán cho sản xuất điện điều chỉnh bước 2 theo mức tăng theo lộ trình do Chính phủ phê duyệt. Khi đó, chi phí mua điện tăng thêm khoảng 2.230 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện, qua đó 100% nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường. Việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu theo thị trường này làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 5.852 tỷ đồng. Ngoài ra, phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được tính vào giá điện…
GDP giảm 0,22%, CPI tăng 0,29%Nhấn mạnh đến dự kiến đề xuất tăng giá điện, ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Tính từ 2010 tới nay đã có 7 đợt giá điện, trong đó lần gần nhất vào cuối năm 2017. Ông Vượng cho rằng theo quy định lẽ ra năm 2018 phải có lần điều chỉnh giá điện nhưng tính tới cân đối kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Chính phủ đã quyết định chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Việc tăng giá điện thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến giá thành đầu vào, chi phí sản xuất của các DN sẽ tăng, bởi ngoài chi phí nhân công, điện nước cũng là một trong những cấu thành ảnh hưởng đến tổng chi phí DN phải bỏ ra. Trong khi DN đang cố gắng giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho các DN, nhất là DN may sử dụng nhiều lao động, nhiều máy móc liên quan đến điện. Hiện giá thành sản phẩm trên thế giới đang giảm, việc tăng giá điện thời điểm này cần phải tính toán kỹ. Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh |
Thời gian qua, ngành điện đã rà soát lại cơ cấu các yếu tố đầu vào tác động tới giá thành giá điện và có báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, liên quan tới điều hành giá điện, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá cuối tháng 1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, điều chỉnh giá điện phải tính tới sự đồng bộ với giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng.
Theo tính toán bước đầu việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22%%, và làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,29%. Dưới góc độ nghiên cứu, PGS, TS. Ngô Trí Long đánh giá, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nên giá điện tăng chắc chắn tác động toàn bộ các ngành kinh tế, đặc biệt là tới hoạt động của DN. Người tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu tăng thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện. Điều đó đòi hỏi thời gian tới Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để GDP tăng từ 6,8% trở lên.
|
Công nhân EVN Hà Nội kiểm tra kỹ thuật tại trạm biến áp. Ảnh: Khắc Kiên |
Nhiều giải pháp khác rất cần được cân nhắcỞ một góc độ khác, khi bàn về câu chuyện Tổng doanh thu của EVN năm 2018 đạt 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017, EVN báo lãi 2.730 tỷ đồng), trong đó doanh thu bán điện khoảng 333.000 tỷ đồng, tăng 14,6% nhưng vẫn có kịch bản tăng giá điện năm 2019, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, câu chuyện ngành điện kinh doanh có lãi nhưng vẫn có kế hoạch tăng giá dù có liên quan nhưng tương đối độc lập.
“Bất kỳ một đơn vị kinh doanh nào cũng phải có đầu tư và phát triển, tất cả để đảm bảo chi phí vận hành và đảm bảo phúc lợi cho đơn vị đó. Việc EVN vẫn nợ nước ngoài mà chưa thanh toán hết. Chuyện lãi trong kinh doanh đã được EVN tính toán giữa thực tế chi phí cho sản xuất điện với tiền thu về do bán điện thương phẩm”- GS.VS.TSKH. Trần Đình Long nêu rõ.
Tuy nhiên, theo GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, thay bằng việc có kế hoạch tăng giá điện, ngành điện vẫn có thể giảm giá thành sản xuất điện bằng nhiều cách. Vấn đề là liệu có hiện thực hóa được những tiềm năng giảm giá thành sản xuất điện như giảm bớt tổn thất trên lưới điện hoặc tăng năng suất của người tham gia sản xuất điện, truyền tải điện… Nhưng khi nào ngành điện làm và làm được ở mức độ nào còn là vấn đề phức tạp.
Trong khi đó, theo huyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: " Sau nhiều lần kêu lỗ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy một quyết sách cụ thể nào để giải quyết bài toán này. Tăng giá điện để bù lỗ, giải pháp này đã được ngành điện thực hiện nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa bù được. Rõ ràng ngành điện cần phải điều chỉnh sản xuất và quản lý để nâng cao tính hiệu quả".