Đề xuất giải pháp “đòn bẩy” phát triển thị trường năng lượng Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 28/3, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam”, do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương chủ trì, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức thực hiện.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp đã bàn thảo, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm xây dựng một thị trường năng lượng cạnh tranh tại Việt Nam.

Đáng chú ý, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng luợng Việt Nam cho rằng, ngành năng lượng cần thiết phải nghiên cứu xây dựng các mô hình thị trường, chính sách giá cả và cơ chế quản lý của Nhà nước phù hợp với từng loại sản phẩm năng lượng ở các giai đoạn khác nhau.
Do đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất 7 nhóm giải pháp để phát triển thị trường năng lượng tại Việt Nam. Thứ nhất, cần tập trung cải cách doanh nghiệp nhà nước minh bạch và xóa bỏ độc quyền, sẽ là một động lực tự nhiên góp phần thúc đẩy bộ máy Nhà nước, giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách và phát triển thị trường năng lượng Việt Nam. Thứ hai, công khai các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng. Thứ ba, cần tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo góp phần xóa đói giảm nghèo; đồng thời sớm thành lập quỹ phát triển năng lượng. Thứ tư, cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý, kỹ thuật, công nghệ lành nghề. Thứ năm, cần xem chính sách giá năng lượng là một trong những đột phá mới, tiến tới xóa bỏ độc quyền, bao cấp trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Thứ sáu, trong tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường năng lượng, tạo điều kiện cho người lao động tự quyết định hoạt động của mình theo cơ chế thị trường.

Giải pháp thứ bảy đặc biệt quan trọng, Hiệp hội đề nghị Nhà nước sớm thành lập Bộ Năng lượng để giúp Chính phủ trong việc quy hoạch, phát triển, giải quyết các cơ chế chính sách và nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo việc tái cơ cấu, cổ phần hóa ngành năng lượng.