Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Một trong những chính sách được Chính phủ đề xuất là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Chính phủ cho biết, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người.
Trong Tờ trình, Chính phủ cũng đề xuất, Dự thảo luật sửa đổi lần này giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Chính phủ cho rằng, việc này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu thay vì phải nhận BHXH một lần.
"Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng đủ 20 năm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. Đồng thời thông tin, Điều 71 dự thảo quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.
Về quy định hưởng BHXH một lần, Dự Luật đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau gồm: (nhóm 1) Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần; (nhóm 2) Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
Thứ hai, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Đánh giá kỹ lưỡng
Thẩm tra sơ bộ Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.
Liên quan nội dung đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có 2 loại ý kiến. Bên cạnh ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ thì có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm là phù hợp, tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần, có thể tham gia hoặc quay lại tham gia để được hưởng lương hưu.
Quy định này cũng cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống…
Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này.
Liên quan nội dung quy định về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, còn 2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến tán thành cho rằng, quy định trên là phù hợp, nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng. Ý kiến ở chiều ngược lại đánh giá, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách này, nêu rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán. Chính phủ nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn…
Một điểm quan trọng khác, Dự Luật quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước…; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã…
“Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc” - Chính phủ chỉ rõ trong Tờ trình.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng việc này không phải “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các cơ quan tham gia thẩm tra, góp ý kiến cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ vì sao không mở rộng đối tượng tham là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người); việc xác định người sử dụng lao động, mức đóng bảo hiểm xã hội khi bổ sung nhóm người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, việc đảm bảo kinh phí, tác động đối với ngân sách nhà nước…
Thảo luận về Dự Luật, đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng BHXH, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476 nghìn người đã tham gia BHXH khó có cơ hội nhận lương hưu. Mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng sẽ khiêm tốn hơn nhưng người có thời gian đóng dài, đầy đủ sẽ có mức lương hưu hằng tháng ổn định, được đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động khi về già.
Cũng đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu để xác định trong Luật thời điểm chuyển xuống đóng BHXH đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu thì rất tốt.
Đối với quy định rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho rằng mỗi phương án có ưu điểm riêng. Do đó đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để hình thành một phương án.
Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như kinh tế chia sẻ, công nghệ nền tảng… với quan hệ lao động rất khác; từ đó xuất hiện các đối tượng lao động mới như lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa. “Cần nghiên cứu đưa các đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc hay không?”- Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.