Nuôi dưỡng nguồn thu
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN hỗ trợ, phát triển DNNVV do Bộ Tài chính công bố mới đây, nhóm DNNVV được đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15 - 17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Cụ thể, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Các chuyên gia đánh giá, việc giảm nghĩa vụ thuế này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn sẽ “khoan sức” cho các DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo điều kiện giúp khối DN này tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu ngân sách.
Dự thảo nếu được thông qua cũng sẽ tạo điều kiện cho các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên mô hình DN, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN. Điều này giúp tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ ra, 97% trong tổng số 700.000 DN đăng ký và hoạt động ở Việt Nam là DNNVV. Khối DN này có quy mô bình quân khoảng 10 - 50 người lao động và vốn góp khoảng 10 - 20 tỷ đồng. Khối DN này giải quyết được vấn đề quan trọng là việc làm cho thị trường lao động, vốn mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động mới.
"Việc giảm thuế TNDN có tác dụng để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp DNNVV đảm bảo có đủ cân đối thực hiện chính sách an sinh xã hội như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chi phí công đoàn khác của người lao động trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang ngày càng khốc liệt"- ông Kiên đánh giá.
Góp thêm ý kiến, chuyên gia Lê Xuân Trường cho rằng, việc giảm thuế với DNNVV cũng là thông lệ của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính sách này đã giúp các DNNVV ở các quốc gia này phát triển tốt, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Theo các DN, một chính sách thuế hợp lý vào thời điểm này là thực sự cần thiết với những DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, đề xuất giảm thuế TNDN cho khối DN siêu nhỏ đầu tiên giúp DN thêm niềm tin, sau đó là tạo điều kiện tiếp sức cho DN phát triển.
Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Cát Lợi (Hà Nội) Nguyễn Thành Long cho hay, với DNNVV, giảm được một đồng chi phí cũng quý. “Nếu như mức thuế 17% được áp dụng ngay trong năm tới, theo tính toán của chúng tôi, số tiền DN tiết kiệm được sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này đóng góp đáng kể vào số vốn quay vòng, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu...”- ông Long nói.
Về phía các hộ kinh doanh, các chính sách ưu đãi thuế được đánh giá sẽ là “lực đẩy” giúp họ có thêm động lực “lớn” thành DN. Theo bà Bùi Thu Thủy - Chủ Studio Ruby (chuyên chụp ảnh, trang điểm chuyên nghiệp) thì rào cản lớn nhất đối với một hộ kinh doanh như hiện nay là lo ngại thủ tục kế toán khi chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, muốn phát triển, mở rộng kinh doanh, nâng tầm thì phải “lớn” thành DN.
Bởi vậy, khi nghe thông tin về đề xuất miễn thuế trong vòng 2 năm cho nhóm đối tượng DN mới thành lập, bà Thủy đã cân nhắc chuyện thành lập DN để chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh thay vì là hộ kinh doanh cá thể như hiện nay.
"Chúng tôi đánh giá cao những hành động hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng trong thời gian qua để tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước dành cho bộ phận DNNVV, tạo niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy DN phát triển thực sự." - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Cát Lợi (Hà Nội) Nguyễn Thành Long |