Mức phạt cao hơn góp phần làm giảm số vụ vi phạm
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên cạnh vi phạm về PCCC, Điều 34 Dự Luật quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng và an toàn thực phẩm.
Tại Điều 20 Luật Thủ đô hiện hành, HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn đối với vi phạm trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn với một số hành vi tại nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, góp phần làm giảm số vụ vi phạm.
Tuy nhiên, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm diễn ra rất nóng và phức tạp. Song mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, bảo đảm thi hành theo quy định chưa đủ răn đe, chưa bảo đảm an ninh, an toàn, gây bức xúc trong xã hội.
Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của Luật Thủ đô hiện hành về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại nội thành không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi áp dụng hai loại chế tài trong cùng một thành phố.
Do đó, Điều 34 Dự án Luật đã bổ sung ba lĩnh vực PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo mà HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn.
Trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội, Ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC.
Cho ý kiến nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, nguy cơ cháy nổ ở Hà Nội phức tạp, nhất là sau vụ cháy tòa nhà tại quận Thanh Xuân làm 56 người chết. Thành phố tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini. Một trong những nguyên nhân là định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành cách đây 10 năm.
Đây là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm. Vấn đề di dời cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan, đơn vị đã đặt ra từ lâu, nhưng triển khai rất chậm chạp. Dự Luật cũng chưa có quy định rõ về biện pháp và lộ trình di dời.
Xây dựng tiêu chí về PCCC của Hà Nội vượt trội hơn so với cả nước
Cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí về giao thông, môi trường và PCCC của Hà Nội vượt trội hơn so với cả nước, nhất là sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát trong quá trình thẩm tra Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini, không để biến tướng thành một điều khác trong Luật Nhà ở chuẩn bị trình Quốc hội.
Đồng tình không hợp thức hóa mô hình chung cư mini trong Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, loại nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn phòng cháy và cứu nạn cứu hộ. Cùng với đó, quy định hiện hành cũng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể dành cho chung cư mini.
Khái niệm "chung cư mini" không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, không được thừa nhận và thẩm định hồ sơ công trình dưới tên gọi này. Luật Nhà ở hiện chỉ có nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội.
Trong Quyết định 24/2014, UBND TP Hà Nội xác định: "Chung cư mini là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên. Mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế khép kín như có phòng, bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng. Diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo điều 70 của Luật Nhà ở 2014".
Tại Điều 74 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chung cư mini được mô tả dưới dạng "nhà ở nhiều tầng nhiều hộ của hộ gia đình, cá nhân". Nhà ở kiểu này phải có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung; các căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín; diện tích sàn mỗi căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Nhà ở phải có Giấy phép xây dựng, đáp ứng yêu cầu về PCCC.
Phát biểu tại phiên họp, đề cập quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là với quy hoạch, xây dựng, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi mới thấy có những vấn đề còn bất cập. Tòa nhà được cấp phép 6 tầng nhưng xây dựng tới 9 tầng là vi phạm. Tuy nhiên, theo Bí Thư Thành ủy Hà Nội, điều kiện thực tế về hạ tầng, giao thông tại khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, việc cho phép xây 6 tầng cũng đã bất cập; khu vực này có thể chỉ phù hợp xây dựng 2-3 tầng.
Từ thực tế đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn, vào những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).