Tiếp thu, chỉnh lý Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, đến thời điểm này, Dự án Bộ Luật đã cơ bản thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Trong đó, liên quan đến việc mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa, mặc dù kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại hai phiên họp gần đây không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận này nhưng Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Phương án 1 quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng, ghi rõ là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ như quy định trong Dự thảo để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ.
Phương án 2 nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, đồng thời Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động, bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Tuy nhiên, ngay tại phiên họp, vẫn có những luồng quan điểm khác nhau về vấn đề này. Đồng tình với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, hiện nay khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất, giúp giảm sức lao động thì người lao động càng có điều kiện làm thêm giờ.
Việc tăng giờ làm thêm không chỉ là nguyện vọng của chủ sử dụng lao động mà còn là nhu cầu của người lao động bởi họ cần tăng thu nhập. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, điều kiện để tăng giờ làm thêm từ 300 lên 400 cần có sự thương thảo để giảm giờ lao động chính thức của người lao động xuống 44 giờ hoặc 40 giờ giống công chức, viên chức.
“Việc tăng giờ làm thêm chỉ trong tình huống nhất định và chỉ có một số đối tượng nhất định. Ngoài ra, vấn đề này nếu đưa vào Luật phải kèm theo các điều khoản để bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương xứng đáng với việc làm thêm giờ cho người lao động”- đại biểu nêu quan điểm.
Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Văn Cường - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, trước mắt giữ nguyên 300 giờ làm việc, đồng thời tính toán phương án trả lương lũy tiến để người sử dụng lao động cân nhắc khi đề nghị tăng giờ làm thêm.
Một số đại biểu khác cũng đề nghị quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ Luật hiện hành. Bởi giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động và tránh tình trạng lạm dụng việc làm thêm giờ.