Đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề: Thêm “giấy phép con” không cần thiết

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, việc yêu cầu người có giấy phép lái xe (GPLX) phải có thêm chứng chỉ hành nghề mới được lái xe kinh doanh vận tải là đòi hỏi không cần thiết và theo kiểu “hành” lái xe.

 Nhiều ý kiến cho rằng phải có thêm chứng chỉ hành nghề mới được lái xe kinh doanh vận tải là không cần thiết. Ảnh: Thanh Hải
Nói một đằng, làm một nẻo?

Bộ GTVT lại gây bất ngờ khi tiếp tục đưa đề xuất người lái xe kinh doanh vận tải phải có giấy phép hành nghề đi kèm với GPLX vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Trước đó, chính cơ quan này lên tiếng khẳng định sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp sau khi đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 61 của bản dự thảo Luật GTĐB sửa đổi do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình tại Quốc hội hôm 24/10 có quy định: “Người có giấy phép lái ô tô muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải”.
Điều đáng nói, trong dự Luật GTĐB sửa đổi lần này đã không còn nội dung đào tạo, sát hạch GPLX nữa mà nội dung này sẽ được chuyển sang dự Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do Bộ Công an soạn thảo. Nếu đề xuất của Bộ GTVT được thông qua, người nào muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải trong thời gian tới sẽ phải trải qua hai cuộc sát hạch của hai cơ quan cấp bộ (sát hạch GPLX của Bộ Công an và sát hạch chứng chỉ hành nghề của Bộ GTVT).

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề được Bộ GTVT đưa vào dự Luật GTĐB sửa đổi. Trước đó, khi dự luật này vẫn còn nội dung về đào tạo, sát hạch GPLX, Bộ GTVT đã đưa ra yêu cầu về chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều phản đối, đại diện Bộ GTVT đã khẳng định sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.
“Sau khi nhận được ý kiến đóng góp, ban soạn thảo Luật GTĐB sửa đổi đã nghiên cứu, chỉnh sửa theo hướng khi học bằng lái xe, người lái xe có thể đăng ký để được đào tạo về nghiệp vụ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải (nếu có nhu cầu). Qua đó, tài xế được cấp đồng thời GPLX và chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải…” – lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) từng khẳng định. Tuy nhiên, bản dự Luật GTĐB sửa đổi trình Quốc hội hôm 24/10 vừa qua, Bộ GTVT vẫn tiếp tục đưa vào quy định người có GPLX muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải.

Thêm phiền hà, tốn kém cho người dân

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng: “Chính phủ đang có chủ trương cải cách hành chính để giảm thiểu những thủ tục không cần thiết. Bộ GTVT lại đưa ra đề xuất này chẳng khác nào tạo thêm phiền hà, tốn kém cho người dân và đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính mà cả nước đang thực hiện”.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm, theo quy định tại Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT, hiện nay đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đều thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ vận tải. Nếu đạt bài kiểm tra sẽ được cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ. Chứng nhận này do các hiệp hội vận tải hoặc các DN, hợp tác xã lớn có điều kiện tố chức cấp và có thời hạn trong vòng 3 năm. “Đây cũng được xem như là giấy tờ tương đương với chứng chỉ hành nghề rồi nên việc Bộ GTVT đưa ra yêu cầu trên là không cần thiết” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, Luật GTĐB hay những văn bản luật trong lĩnh vực GTVT được sinh ra đều nhắm tới mục tiêu lớn nhất là đảm bảo ATGT, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Do đó, thay vì tìm cách “đẻ” ra các quy định không cần thiết, Bộ GTVT nên tập trung nghiên cứu giải pháp để đảm bảo ATGT một cách bền vững. “Chứng chỉ hành nghề cũng không quan trọng bằng ý thức của người lái xe. Cho dù có chứng chỉ hành nghề mà ý thức không tốt thì tai nạn vẫn sẽ xảy ra. Do đó, nên đưa ra những giải pháp quản lý về mặt con người chứ không phải "đẻ" ra những loại giấy tờ không cần thiết” – ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT đang gây ra những ý kiến trái chiều từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nếu đứng trên quan điểm của một cơ quan quản lý, việc Bộ GTVT đưa ra đề xuất tài xế xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề cũng có cơ sở.
“Rõ ràng giữa lái xe thông thường và lái xe kinh doanh vận tải có sự khác nhau” – TS Nguyễn Hữu Đức nói nhưng cũng không quên khẳng định, hiện nay, Bộ GTVT “gần như không quản lý được người lái xe” vì cứ ai có GPLX là có thể chạy xe kinh doanh vận tải. Còn nếu đứng trên quan điểm của DN vận tải thì đề xuất của Bộ GTVT sẽ tạo ra giấy phép con, gây thêm phiền hà cho lái xe không hề sai. Do đó, để tìm ra câu trả lời đúng đắn nhất cho vấn đề này, cần phải có những cuộc trao đổi sòng phẳng, rõ ràng giữa Bộ GTVT và các DN vận tải. “Hai bên phải ngồi lại với nhau mới tìm ra tiếng nói chung. Còn nếu bên nào cũng khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình sẽ chẳng bao giờ tìm ra được câu trả lời thỏa đáng cho cả hai” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.

Đối với bất kỳ văn bản luật nào, khi xây dựng đều phải có những nghiên cứu, đánh giá về tác động của luật. Dự luật GTĐB sửa đổi nói chung và đề xuất tài xế xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề nói riêng cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.
Ở nước ngoài, khi người dân thi bằng lái xong vẫn có hai năm thử thách, nếu vượt qua thì được cấp bằng lái chính thức, còn vi phạm quá nhiều lỗi sẽ phải thi lại từ đầu. Tôi cho rằng không cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bởi việc lái xe là ý thức của con người, dù có đào tạo mà người lái không có ý thức cũng vô dụng.

Chuyên gia ô tô xe máy Nguyễn Minh Đồng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần