Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất nâng cấp sân bay Nội Bài: Có thực sự cần thiết?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Hàng không Việt Nam đang đề xuất 2 phương án nhằm nâng công suất của sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Trong đó, phương án 1 là nâng cấp nhà ga T1, T2; phương án 2 là xây dựng nhà ga T3, T4 tại khu vực đối diện nhà ga T1, T2. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc nâng cấp sân bay Nội Bài trong thời điểm này là chưa cần thiết.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện công suất của nhà ga T2 Nội Bài là 25 triệu lượt hành khách/năm. Tuy nhiên, năm 2016, lượng khách đã đạt 17 triệu, dự kiến năm 2017 là 19,4 triệu. “Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 2 - 2,5 triệu lượt khách/năm thì chỉ khoảng 2 - 3 năm nữa, sân bay Nội Bài sẽ bị quá tải. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài là rất cần thiết” – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nhấn mạnh. 
Nhà ga T2, sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ga T2, sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
Lý giải thêm về việc cần phải khẩn trương nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài, ông Thanh cho biết, hiện sân bay này có 2 đường cất hạ cánh 1A và 1B nhưng do khoảng cách quá gần nên không thể hoạt động độc lập (2 máy bay cất hoặc hạ cánh cùng lúc).

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo các tài liệu của ngành hàng không, mỗi đường băng có thể đáp ứng được 44 lượt cất hạ cánh/giờ. Trong khi đó, sân bay Nội Bài dù chưa khai thác được tối đa công suất, nhưng với 2 đường băng hiện tại, trong đó có một đường bay bổ trợ vẫn dư sức đáp ứng nhu cầu 40 triệu lượt hành khách/năm. Do đó, tuyên bố cần nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phục vụ từ 20 - 25 triệu hành khách/năm của ngành hàng không cần phải xem xét lại.

Về thông tin khoảng cách của 2 đường cất hạ cánh 1A và 1B tại sân bay Nội Bài quá gần nên không đảm bảo an toàn cho 2 máy bay cùng cất hạ cánh một lúc, nhiều chuyên gia bức xúc đặt câu hỏi: Sân bay Nội Bài được đầu tư xây dựng rất bài bản, kỹ lưỡng, nhưng tại sao 2 đường cất hạ cánh lại có khoảng cách quá gần nhau nên không thể khai thác độc lập, trách nhiệm này thuộc về ai? 

38.800 tỷ đồng...hay 114.800 tỷ đồng?
Theo phương án mở rộng nhà ga T1, T2 nhằm đảm bảo năng lực phục vụ ít nhất 20 - 25 triệu hành khách/năm, Bộ GTVT dự kiến sẽ xây thêm một đường cất hạ cánh ở phía Nam, cùng với 2 đường băng đang có hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT

Nguyễn Hồng Trường

Theo Cục Hàng không, nếu thực hiện xây mới 2 nhà ga T3, T4 theo đúng Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chi phí đầu tư sẽ là 76.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác khoảng 6.000 tỷ đồng; GPMB 40.800 tỷ đồng; xây dựng nhà ga 12.000 tỷ đồng; xây đường lăn Bắc - Nam 2.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng và chi phí khác 15.200 tỷ đồng… Do đó, Cục Hàng không kiến nghị nâng công suất của sân bay Nội Bài theo phương án 1, tức là nâng cấp nhà gà T1, T2. Theo ông Thanh, với phương án này, mức đầu tư sẽ vào khoảng 38.800 tỷ đồng, bằng một nửa phương án xây mới 2 nhà ga T3, T4.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong hoàn cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu phải chọn giữa 2 phương án, phương án 38.800 tỷ đồng chắc chắn sẽ được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, với cách làm quy hoạch thiếu tầm nhìn như hiện nay thì không loại trừ khả năng vừa thực hiện xong phương án 1 sẽ triển khai luôn phương án thứ 2 - phương án tiêu tốn ít nhất 76.000 tỷ đồng. Lúc đó, tổng số tiền để nâng công suất của sân bay Nội Bài sẽ là hơn 114.800 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, trong điều kiện hiện nay, để giảm tải cho sân bay Nội Bài, ngành hàng không cần cân nhắc cho phép sân bay Gia Lâm khai thác thêm một số đường bay dân dụng ngắn đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung, còn sân bay Nội Bài chỉ tập trung khai thác các đường bay dài và quốc tế.
Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, sân bay Nội Bài sẽ được nâng cấp thành sân bay cấp 4E, lưu lượng hành khách đạt 20 - 25 triệu và trên 260.000 tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2030, sân bay Nội Bài sẽ trở thành sân bay cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách, 500.000 tấn hàng hóa/năm.