Đề xuất người lao động được nghỉ thêm một ngày dịp Tết Dương lịch

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất người lao động được nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết Dương lịch nhằm tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình.

Ngày 9/9, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7 (khóa XII), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần 3.
 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: V.D
Theo đó, trong phần nội dung thời giờ làm việc bình thường cho người lao động, báo cáo đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét cân nhắc đề xuất bổ sung thêm 1 hoặc một số ngày nghỉ trong năm cho người lao động.
“Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Cambodia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày; Myanma là 14 ngày; Philippine là 12 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, tết hiện nay của Việt Nam là 10 ngày).
Thời giờ làm việc bình thường của người lao động Việt Nam cũng đang ở mức cao với 48 giờ /tuần” – ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra so sánh và cho rằng, việc tăng thêm một ngày nghỉ lễ cho người lao động là cần thiết.
Trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ Tết Dương lịch cho người lao động, từ 1 ngày theo quy định hiện hành lên 2 ngày.
 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.C
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, với quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong lúc đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước.
Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Trong nhiều năm, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, cùng với việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm tối đa, việc giảm thời gian làm việc bình thường nhằm đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động. Về phía doanh nghiệp, điều này cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần