Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất nới điều kiện thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực tế, số lượng người lao động, DN được tiếp cận và thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NĐ-CP và Quyết định 15/200/QĐ-TTg còn ít so với dự kiến nên đã có những đề nghị nới điều kiện và mở rộng đối tượng tiếp cận.

 May hàng xuất khẩu tại Công ty CP sản xuất hàng thể thao MXP. Ảnh: Thanh Hải

Tìm mọi cách giữ chân người lao động
Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Trong quý II năm 2020, tình trạng việc làm và thất nghiệp diễn biến phức tạp hơn khi số lao động có việc làm duy trì ở mức trên 52,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng người lao động (NLĐ) làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các DN vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề: May mặc, da giày, túi xách, thương mại điện tử, du lịch, khách sạn – nhà hàng, vận chuyển, giao nhận...
Cùng với sự suy giảm lao động, doanh thu cũng sụt giảm theo. Các DN trong lữ hành, khách sạn có kết quả sản xuất, kinh doanh đạt thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước chưa được kiểm soát. Vì thế, để cứu mình, nhiều công ty đã tìm mọi giải pháp giảm thiếu tối đa tác động tiêu cực của Covid-19 như chuyển hướng thị trường, tái cơ cấu lại lao động, cho NLĐ nghỉ luân phiên... Chẳng hạn, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) định biên lại lao động để sử dụng hiệu quả, tiết giảm chi phí, giữ được NLĐ có tay nghề chuyên môn cao để khi bớt dịch sẽ bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. “Hanoitourist cho NLĐ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm nhưng vẫn bảo đảm mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng Chính phủ quy định; vẫn đóng đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho NLĐ. Hanoitourist không có NLĐ bị chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng lao động” – ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Hanoitourist cho hay.
Các DN trong ngành dệt may sử dụng nhiều lao động cũng gặp rất không ít khó khăn, khi bị đối tác hủy đơn hàng, hoãn giao hàng, thị trường tạm ngừng tiêu thụ sản phẩm trong khi lại đang rất cần dòng tiền để duy trì hoạt động. Trong thời điểm dịch bệnh, một ít DN dệt may chuyển hướng sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ nên đỡ khó khăn hơn, nhưng vẫn chịu tác động tiêu cực rất lớn. Trước tình hình đó, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội đã phải nỗ lực hết sức để có việc làm cho NLĐ bằng cách giãn việc, nghỉ 5 ngày, 1 tuần, hoặc 10 ngày/tháng. Mục tiêu của Hanosimex là cố gắng giữ chân NLĐ và bảo toàn lực lượng cho đến khi điều kiện sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
Giảm doanh thu từ 20% được vay tiền trả lương
Nhằm hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, dự kiến hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người được hưởng. Sau 3 tháng thực hiện, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người được thụ hưởng 17,5 nghìn tỷ đồng. So với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách còn ít. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chỉ ra lý do: Lúc đầu dự báo số lượng người được hỗ trợ cao hơn, thời gian cách ly 3 tháng nhưng Việt Nam chống dịch tốt nên chỉ có 1 tháng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra vấn đề, đó là DN rất khó đáp ứng được điều kiện để tiếp cận Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) vay tiền trả lương cho NLĐ bị ngừng việc. Theo Quyết định 15, để được vay tiền, DN phải cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương. Do vậy, đến nay chưa có hồ sơ nào của DN được giải ngân, trong khi dự kiến cho vay 16.000 tỷ đồng với 3 triệu NLĐ được hỗ trợ.
Vì vậy, rất cần phải nới điều kiện cho vay, là mong muốn được không ít DN, công ty kiến nghị. Muốn vậy, nên bỏ điều kiện “DN không có doanh thu” trong Quyết định 15; thay bằng “giảm doanh thu 20 – 30%”.
Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất sửa điều kiện đối với trường hợp NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên vì người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cụ thể: DN có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được tính từ ngày 23/1/2020 đến 1/6/2020. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ mở rộng thêm đối tượng giáo viên trường tư thục được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Bởi trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, họ bị mất việc làm, ngừng việc nhưng chưa được hỗ trợ.
Trong cuộc họp Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7 vừa qua, trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với nhiều đề xuất từ phía DN và Bộ LĐTB&XH. Tuy nhiên, để sớm triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vào thực tế đòi hỏi các ngành, địa phương cần có những hành động quyết liệt để rất nhân văn, phù hợp giúp DN, NLĐ vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất.

Đề xuất bổ sung giáo viên tư thục vào đối tượng thụ hưởng
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ có ý nghĩa rất thiết thực hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Những đối tượng được xác định ban đầu (theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15) về cơ bản là đúng và phù hợp với khả năng cân đối nguồn tài chính dự trữ từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đối tượng ở nhóm 4 mới chỉ chú ý đến lao động khu vực thị trường nên bỏ sót những người làm việc trong các cơ sở tư nhân hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội.
Vì thế, qua thực tế thực hiện, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đề xuất mở rộng thêm đối tượng giáo viên trường tư thục là cần thiết. Tuy nhiên, để Chính phủ mở rộng đối tượng này, trước hết, Bộ LĐTB&XH cần có báo cáo thống kê, đánh giá thực trạng và xây dựng tờ trình để Chính phủ xem xét quyết định. Bộ này cũng nên theo dõi, phát hiện những lao động làm việc trong các cơ sở tư nhân hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để chủ động đề xuất bổ sung để được hỗ trợ kịp thời.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH - TS Nguyễn Hữu Dũng
Bộ LĐTB&XH đã kiến nghị Chính phủ sửa điều kiện DN được vay tiền từ Ngân hàng CSXH trả lương ngừng việc cho NLĐ: “Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ ngừng việc trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020, theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 6 tháng. Thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng CSXH”.