Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lực lượng thuộc công an thành phố Hà Nội và công an thành phố TP Hồ Chí Minh đang đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Sai phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa tại Hà Nội chỉ còn 20 trên tổng số 31 trung tâm đang hoạt động (11 trung tâm bị đóng cửa), trong khi tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn 8 trung tâm và 1 chi nhánh trên tổng số 17 trung tâm và 2 chi nhánh đang hoạt động (9 trung tâm và 1 chi nhánh bị đóng cửa). Điều này gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đưa phương tiện đi kiểm định.
Việc điều tra và phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới là một chiến công lớn của lực lượng Công an nhân dân, góp phần chấn chỉnh, làm trong sạch bộ máy ngành đăng kiểm. Việc này đã có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới nói riêng và toàn ngành đăng kiểm nói chung.
Tuy nhiên việc bắt giữ và tạm dừng số lượng lớn trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt trung tâm đăng kiểm và nhân lực để thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện ô tô trên nhiều địa bàn đặc biệt là thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Việc thiếu hụt này đã dẫn tới hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng các phương tiện khi đi kiểm định, ảnh hưởng tới nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp, gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế xã hội. Cụ thể như gây ách tắc trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông do nhiều phương tiện hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông hoặc có thể bị xử phạt oan do ùn tắc chưa được kiểm định...
Để khắc phục việc ùn tắc trong kiểm định, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với các địa phương đưa ra nhiều giải pháp như tăng thời gian làm việc từ 06 giờ sáng đến 21 giờ đêm, làm việc cả ngày nghỉ, điều động tăng cường đăng kiểm viên cho các trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin để chủ xe đăng ký lịch, thời gian kiểm định, khuyến cáo chủ xe đi kiểm định ở địa phương lân cận nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu kiểm định tăng cao của người dân và doanh nghiệp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, tất cả các giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, không thể kéo dài vì sức người có hạn và có thể phát sinh nhiều hệ lụy như tổn thất về thời gian, chi phí vì phải di chuyển xa để kiểm định, người dân phải xếp hàng từ đêm để có thể được đăng kiểm.
Ngoài ra hiệu suất làm việc của các trung đăng kiểm đang hoạt động rất thấp do đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ luôn phải làm việc trong trạng thái áp lực, tâm lý không ổn định (hoang mang, lo lắng, lo sợ). Điều này nếu kéo dài sẽ gây tổn thất to lớn cho xã hội và người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu di chuyển, lưu thông hàng hóa, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, phía Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị UBND, Công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Sở GTVT TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xem xét, tạo điều kiện cho phép tái sử dụng các trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng hoạt động được hoạt động trở lại.
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ rà soát để trang bị hệ thống máy tính mới (hệ thống máy tính cũ giữ nguyên để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan công an), nguồn nhân lực đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ mới để tái hoạt động trở lại cho các trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm thiết yếu của người dân trước và sau dịp Tết Nguyên đán.