Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất quy định mới bổ nhiệm công chức, viên chức làm lãnh đạo từ ngày 1/1/2021

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ ngày 1/1/2021, điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm công chức, viên chức được tính trên cơ sở độ tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức được nâng lên theo lộ trình theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, thực hiện quy định về tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. 
Để bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu (thời điểm thông báo nghỉ hưu, ra quyết định nghỉ hưu, công tác quy hoạch, bổ nhiệm), Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.
 Từ ngày 1/1/2021, độ tuổi bổ nhiệm công chức, viên chức được tính trên cơ sở độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.
Về thực hiện thủ tục nghỉ hưu: Theo quy định hiện hành thì cơ quan, đơn có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức phải ra thông báo nghỉ hưu trước đó 6 tháng và ra quyết định nghỉ hưu trước 3 tháng tính đến thời điểm công chức, viên chức nghỉ hưu theo quy định.
Tuy nhiên, đối với trường hợp nam sinh từ 1/1/1961 hoặc nữ sinh từ 1/1/1966 trở về sau thì việc ra thông báo nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu được tính trên cơ sở thời điểm công chức, viên chức nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Trường hợp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức đã ra thông báo nghỉ hưu thì không phải thông báo lại.
Về độ tuổi bổ nhiệm: Theo quy định của Đảng và của pháp luật thì công chức, viên chức được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ (5 năm). Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2021, cho đến năm 2028 đối với nam (khi đủ 62 tuổi) và đến năm 2035 đối với nữ (khi đủ 60 tuổi).
Do vậy, từ nay đến khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các quy định hiện hành của Đảng, của pháp luật để xem xét bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Kể từ ngày 1/1/2021, điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm công chức, viên chức được tính trên cơ sở độ tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức được nâng lên theo lộ trình theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ).
Đối với các trường hợp ứng cử, bầu cử tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.