Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất quy định phù hợp trong công tác cán bộ Đoàn

Thủy Tiên - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 7/5, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cùng chủ trì hội nghị khảo sát của T.Ư Đoàn đánh giá kết quả 10 năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp thực hiện Quy chế cán bộ đoàn.

Cùng dự hội nghị có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo một số ban, ngành và Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội.
 Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. 
Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cán bộ
Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, sau 10 năm thực hiện Quyết định 289 ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Quy chế cán bộ Đoàn, nhìn chung, Quy chế đã có tác động tích cực đến tổ chức và đội ngũ cán bộ đoàn hiện nay, tạo thuận lợi cho công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ đoàn.
Quy chế đã quy định rõ hơn các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, độ tuổi của cán bộ đoàn các cấp, đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp trong công tác cán bộ đoàn của cấp ủy và Ban Thường vụ Đoàn các cấp tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Sau khi triển khai thực hiện Quy chế, độ tuổi cán bộ đoàn được trẻ hóa, sát với độ tuổi thanh niên. Số cán bộ đoàn được đào tạo về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị ngày càng nhiều, phù hợp và đáp ứng với đặc thù công tác thanh niên. Công tác đào tạo, sử dụng và luân chuyển cán bộ đoàn thuận lợi hơn. Đội ngũ cán bộ đoàn trong cả hệ thống thường xuyên được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới.
Công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch cán bộ được quan tâm, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Thành ủy Hà Nội. Các bước quy trình rà soát, giới thiệu bổ sung nguồn nhân sự quy hoạch được tiến hành bảo đảm mở rộng dân chủ, khách quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn được quan tâm thực hiện từ TP đến cơ sở. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngoại ngữ, từng bước thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu.
Hiện nay, tổng số cán bộ Đoàn chuyên trách toàn thành phố là 1.076 cán bộ. Trong đó, cấp thành phố có 51 cán bộ; cấp huyện và tương đương có 446 cán bộ và cấp cơ sở có 579 cán bộ. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 1 đồng chí cán bộ Đoàn tham gia BCH Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; 1 đồng chí cán bộ Đoàn tham gia HĐND cấp TP; 17/30 đồng chí Bí thư quận, huyện đoàn tham gia cấp ủy; 8/30 đồng chí Bí thư quận, huyện đoàn tham gia HĐND cấp huyện.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế cán bộ đoàn ở cấp cơ sở còn chưa đồng bộ, thống nhất và còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều cán bộ đoàn chuyên trách, nhất là những cán bộ không giữ chức danh chủ chốt (từ cấp huyện trở lên) và những cán bộ là bí thư đoàn xã, phường, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác và hết tuổi theo quy định, nhưng chậm được bố trí công tác khác, hoặc việc bố trí công tác khác gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cấp huyện còn 8 đồng chí Bí thư, 8 đồng chí Phó Bí thư Đoàn quá tuổi; 130 đồng chí Bí thư, 14 đồng chí Phó Bí thư Đoàn cấp xã quá tuổi theo quy chế.
Trước tình hình đó, nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn; chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ Đoàn đã hết tuổi theo Quy chế cán bộ Đoàn; nghiên cứu chế độ chính sách cán bộ Đoàn ở cấp chi đoàn, Đoàn cơ sở phù hợp với tình hình hiện nay.
Nâng cao chủ động, tham mưu chính sách sát với thực tiễn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Đoàn hoạt động, bởi công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ của Đoàn Thanh niên nói riêng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Từ công tác tuyển dụng, quy hoạch tới tuyển dụng, đánh giá cán bộ đều được thực hiện đa chiều, sát thực tế từ đó luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và ra quyết định khen thưởng, kỷ luật rất sát với thực tế” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, việc thực hiện Quyết định 289-QĐ/TƯ trong 10 năm qua đã đạt được những hiệu quả cao trong thực tiễn. Qua công tác tác đoàn, đội, hội, nhiều cán bộ đã trưởng thành và được tín nhiệm vào các chức danh lãnh đạo của quận, huyện và TP.
Đồng tình với những vướng mắc đã được nêu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các Ban, ngành chức năng rà soát đánh giá những ưu điểm, hạn chế sau 10 năm triển khai Quyết định 289-QĐ/TƯ, từ đó tổng kết quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn. Phó Bí thư thường trực Thành ủy đề xuất Trung ương Đoàn đề xuất Ban Bí thư bổ sung những quy định phù hợp với thực tiễn. Đồng thời mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban Bí thư và Trung ương Đoàn trong việc thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đánh giá, Thành đoàn Hà Nội đã chủ động triển khai Quyết định 289-QĐ/TƯ và đạt được những kết quả cụ thể. “Thành đoàn cũng đã cố gắng đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn, tận dụng các cơ chế chính sách tạo điều kiện của Thành ủy để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Nhiều cán bộ Đoàn đã trưởng thành từ cơ sở và được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng”, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn đánh giá.
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị, thời gian tới Thành đoàn Hà Nội cần nêu cao tinh thần chủ động, tham mưu về công tác cán bộ, vận dụng hiệu quả cơ chế tạo điều kiện của Thành ủy, cùng cấp ủy cơ sở giải quyết hiệu quả chính sách cán bộ Đoàn. Đồng thời mong muốn, Thành đoàn tăng cường cơ chế giám sát, đề xuất các cơ chế phù hợp với cơ sở thực tiễn để có những chính sách phù hợp cho từng cấp bộ Đoàn.