Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt: Giải quyết những bất cập của ngành nước

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội dự kiến tăng giá nước sinh hoạt từ 1/7 chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân.

Song, nếu đặt lên bàn cân, những tác động đó sẽ là rất nhỏ so với việc tạo động lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho Thủ đô.

Hệ thống xuống cấp

Với người dân Thủ đô, câu chuyện ngừng cấp nước để bảo dưỡng hay vỡ đường ống đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Điệp khúc đó quen thuộc đến mức, mỗi khi có thông báo phát ra, người ta chỉ quan tâm đến địa điểm, thời gian mất nước và bao giờ có nước trở lại mà không quan tâm đến lý do mất nước là gì. Sở dĩ như vậy là bởi, ngoài những lý do bất khả kháng thì hầu như 100% lý do ngừng cấp nước đều liên quan đến... đường ống dẫn nước sạch.

Công nhân Nhà máy nước Yên Phụ, Hà Nội vận hành hệ thống. Ảnh: Công Hùng
Công nhân Nhà máy nước Yên Phụ, Hà Nội vận hành hệ thống. Ảnh: Công Hùng

Đại diện một đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn TP chia sẻ, hầu hết hệ thống đường ống, thậm chí là các nhà máy cấp nước trong mạng lưới cấp nước sạch ở Thủ đô hiện đã rơi vào tình trạng xuống cấp sau nhiều năm đi vào sử dụng. Do đó, các đơn vị vẫn thường xuyên phải ngừng cấp nước để bảo dưỡng, nâng cấp đường ống tránh xảy ra những sự cố có thể xảy ra, đặc biệt là trong mùa nắng nóng.

Lý giải về tình trạng sửa chữa chắp vá, không tiến hành thay thế đồng bộ, vị này cho hay, giá nước sạch tại Hà Nội hiện nay đang được duy trì bằng với 10 năm trước. Trong khi đó, sau 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá nước đều tăng lên rất nhiều.

 

Việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nước sạch của Thủ đô, khi nước sạch luôn là vấn đề "nóng", đặc biệt là những ngày nắng nóng.
Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An

Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%; mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%. Bên cạnh đó, các loại thuế, phí điều chỉnh tăng như thuế tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3 - 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%, chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng 30%, bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ (từ năm 2017)...

Không chỉ gặp khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, việc giá nước bình ổn trong 10 năm qua đã khiến việc nâng cao chất lượng nước theo quy định gặp không ít khó khăn. Theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 và Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) thay thế quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT, QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn nhiều so với quy chuẩn (QCVN 02:2009) để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, để xử lý nước đạt QCVN01-1:2018/BYT không thể không đầu tư công nghệ xử lý nước mới và cải tạo hệ thống cấp nước cũ. Do vậy, với giá nước chưa được điều chỉnh, rõ ràng các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch cũng như mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch.

Tăng giá nước là hợp lý

Theo đề xuất của Sở Tài chính gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024. Cụ thể, trong năm 2023, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20 - 30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Và đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Theo lý giải của Sở Tài chính, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

 

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72%. Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nước còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các DN cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho Nhân dân Thủ đô.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, theo quy định, giá bán nước sạch cần được rà soát hằng năm và phải được điều chỉnh khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Song từ năm 2013 đến nay, mặc các chi phí đầu vào cùng một số loại thuế, phí liên quan đến sản xuất nước cũng đã tăng và được bổ sung... Tuy nhiên 10 năm nay, Hà Nội vẫn áp dụng giá tiêu thụ nước theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP Hà Nội.

“Không có địa phương nào áp giá nước sạch kéo dài tới tận 10 năm như Hà Nội. Tỉnh Phú Thọ điều chỉnh tăng năm 2018; Nam Định, Nghệ An năm 2019; Quảng Ninh, Hòa Bình năm 2022... Đáng chú ý, TP Hải Phòng quy định rõ 3 năm một lần điều chỉnh giá nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương tăng giá nước theo lộ trình từ tháng 8/2013 và hằng năm đều tự động tăng theo lộ trình...” – ông Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, thu nhập, mức sống của người dân Thủ đô so với các địa phương khác là khá cao, song giá nước bán ra tại Hà Nội lại đang ở mức rất thấp. Theo khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, giá tiêu thụ nước sạch bình quân khu vực đô thị của các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh... cao hơn Hà Nội 10 - 45%.

Đồng quan điểm trên, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An cho biết, theo tính toán của Hà Nội với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế ở khu vực nội thành đang ở mức 100 - 150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ sử dụng 10 - 16m3/tháng, theo đó số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng/tháng.

Tương tự, tại khu vực nông thôn, hiện nay, mức tiêu thụ nước sạch của một hộ gia đình là 50 - 70 lít/ngày/người, tương đương 6 - 8m3/tháng… sau khi điều chỉnh, số tiền tăng thêm sẽ giao động từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng... Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sẽ thấp hơn rất nhiều so với những lợi ích của việc điều chỉnh mang đến cho cộng đồng, đó là nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Điều đáng nói, mặc dù có sự điều chỉnh về giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP, song Hà Nội vẫn giữa nguyên mức giá đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức giá 5.973 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên. Bên cạnh đó, đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và bãi rác Xuân Sơn, TP Hà Nội đều có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân.