Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, tôi mong các tổ chức, cá nhân tiếp tục có các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm, biên tập, xuất bản để đánh giá toàn diện, xác đáng tác giả, tác phẩm của ông nhằm phục vụ công tác giữ gìn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm... Đặc biệt, hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong” - đó là khẳng định của GS. TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư.

Hội thảo khoa học “Vai trò Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví, Giặm” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức sáng 19/10 tại TP Vinh.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cũng là một điển hình về thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật của xứ Nghệ và của đất nước ta. Dấu ấn trong cuộc đời sáng tác của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là những tác phẩm để đời như vở chèo 5 màn “Cô gái Sông Lam”, vở kịch “Khi ban đội đi vắng”, làn điệu “Giận mà thương” và nhiều vở kịch, nhiều hoạt cảnh dân ca khác.
Chính làn điệu “Giận mà thương” của Nguyễn Trung Phong là chất liệu quý giá để nhạc sĩ Đỗ Nhuận dựa vào, sáng tác ca khúc bất hủ “Trông cây lại nhớ đến Người”. Những tác phẩm của ông đã đóng góp vào kho tàng dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để hơn 5 năm trước UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...
Để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, GS.TS Nguyễn Thế Kỷ mong muốn các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục có các hoạt động phù hợp như sưu tầm, nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm để đánh giá toàn diện, xác đáng tác giả, tác phẩm của Nguyễn Trung Phong trên các góc độ như cấu trúc tác phẩm, ngôn ngữ, nhân vật, các tình huống và xung đột kịch, các thủ pháp nghệ thuật…
Sở VHTT Nghệ An, Trung tâm bảo tồn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ của các địa phương trong tỉnh cần quan tâm, học hỏi, dàn dựng, có thể làm mới các vở kịch, làn điệu dân ca do Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác trước đây, góp phần giữ gìn và phát huy dân ca Ví, Giặm. UBND tỉnh Nghệ An cần quan tâm, chỉ đạo huyện Diễn Châu tạo điều kiện xây dựng không gian nghệ thuật dân ca Ví, Giặm gắn với nhà tưởng niệm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tại quê hương. Tổ chức sưu tầm, biên tập, xuất bản các tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong.