Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản xúc tiến thương mại truyền thống

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2020-2021, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống của VASEP đều tạm ngưng do đại dịch; không tổ chức được 3 hội chợ chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới, trong khi kênh hội chợ truyền thống cho đến nay vẫn là kênh hiệu quả nhất, tìm được khách hàng tin cậy nhất.

Thông tin được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục kinh tế” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/12.

Theo VASEP, xuất khẩu (XK) thủy sản năm 2021 dự kiến sẽ đạt được kim ngạch 8,7 tỷ USD, vượt qua một năm đầy khó khăn và thách thức khi đối mặt trực tiếp với những tác động khó lường của đại dịch Covid-19.

Ba ngành hàng XK thủy sản chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ vẫn duy trì được năng lực sản xuất chế biến, trong đó XK tôm tiếp tục là trụ cột cho phát triển XK năm 2021.

Cho đến thời điểm này, mặc dù đạt được kim ngạch XK cao hơn mong đợi nhưng ngành thủy sản vẫn mới hồi phục được 50-70% do dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi chiếm hơn 80% nhà máy chế biến thủy sản. Các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ vẫn tiếp tục gặp khó khăn để duy trì sản xuất và phục hồi.

Tuy nhiên, theo VASEP, thị trường XK đã đi vào giai đoạn hồi phục khi các nước triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng. Nhu cầu thị trường tăng cao nhất trong vòng hai năm qua, đặc biệt khi bước vào quý 3/2021. Dự báo nhu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022 khi đại dịch dự báo sẽ suy yếu.

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL (Ảnh: Giang Lam).

Về tình hình xúc tiến thương mại (XTTM), ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, hai năm qua, các hoạt động XTTM truyền thống của hiệp hội đều tạm ngưng do đại dịch, không tổ chức được 3 hội chợ chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới tại khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ và Trung Quốc. Đây là những hội chợ uy tín và có quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay, thu hút tất cả các nước cung cấp thủy sản cho toàn cầu.

Sức hút của các hội chợ này không chỉ là các giao dịch thương mại hàng tỷ đô la mà còn là nơi để các DN tìm hiểu nhu cầu thị trường, các xu hướng thực phẩm đang và sẽ đi theo và quan trọng hơn đây là nơi giới thiệu sinh động nhất về sản phẩm.

Theo ông Nam, thủy sản là ngành thực phẩm chuyên về chế biến sâu, đông lạnh, có đặc thù là cần phải thử, nếm, nhìn được màu sắc, độ tươi của sản phẩm để có sự cảm nhận đầy đủ nhất. Các DN cũng đánh giá rằng kênh hội chợ truyền thống cho đến nay vẫn là kênh XTTM hiệu quả nhất, tìm được khách hàng tin cậy nhất.

Theo VASEP, năm 2022 chắc chắn sẽ là năm nhu cầu thực phẩm và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm nhà hàng khách sạn, du lịch hồi phục. Để hỗ trợ ngành tiếp tục phát triển, tăng trưởng tốt trong năm 2022 và các năm sau, góp phần vào mục tiêu đến năm 2030 đạt kim ngạch XK 16-18 tỷ USD, VASEP đề xuất tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn.

Cục XTTM tiếp tục hỗ trợ các DN XK thủy sản tham gia đầy đủ các sự kiện trên. Xem xét tăng tỷ lệ hỗ trợ các chương trình XTTM truyền thống trong thời gian sau đại dịch do hiện nay DN không còn đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong khi chi phí tham gia các hội chợ này tăng đều hàng năm.

Việc tăng tỷ lệ hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận lại thị trường và khách hàng giúp hoạt động XK của nhóm DN này dần hồi phục.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B (giữa DN với DN) cho lĩnh vực thủy sản thông qua các kênh của Bộ Công Thương tại các thị trường đang có tăng trưởng tốt, các thị trường chúng ta muốn tiếp cận để góp phần vào tăng trưởng chung cũng như tránh sự phụ thuộc vào những thị trường chính…

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kinh phí ngân sách đầu năm hỗ trợ cho hiệp hội DN, tổ chức XTTM của các bộ, ngành, địa phương là 136 tỷ đồng để thực hiện 160 đề án, trong đó kinh phí xúc tiến XK là hơn 102 tỷ đồng để thực hiện 84 đề án.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách bị cắt giảm, nhiều đề án xúc tiến XK triển khai tại nước ngoài phải hủy hoặc chuyển sang phương thức thực hiện trực tuyến. Tính đến nay, 31 đề án đã được triển khai thực hiện với kinh phí 26,8 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2021, Bộ Công Thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt DN thực hiện XTTM trực tuyến. Bên cạnh đó, việc tham gia hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số…

Tuy nhiên, việc triển khai các kế hoạch XTTM gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Nhiều hoạt động XTTM đã được các đơn vị tổ chức cũng như DN tham gia chuẩn bị rất công phu nhưng phải hủy đột xuất do các quy định phòng chống dịch Covid-19, gây không ít thiệt hại về tài chính, nhân lực....

Nguồn cung bị thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng, năng lực cung ứng sản phẩm của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa hạn chế về số lượng và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm để đáp ứng các đơn hàng ổn định từ các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối…