Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với 10 lĩnh vực

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 42 và cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật có bố cục gồm 04 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.
Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình là tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực. Cụ thể, đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: Tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa... Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực và sửa đổi tên 07 lĩnh vực.
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Về việc bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 06 lĩnh vực và sửa đổi tên của 07 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ phạm vi của 02 lĩnh vực mới được bổ sung là in và cứu nạn, cứu hộ để không chồng chéo với các lĩnh vực khác; bỏ lĩnh vực quản lý và bảo tồn nguồn gen và phân bón vì đã thuộc lĩnh vực trồng trọt theo quy định của Luật Trồng trọt.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bài học rõ nhất là việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, người dân đã tự ý thức tránh xa rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, tăng mức phạt hành chính đều có ý nghĩa răn đe của nó cả. Nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng để tăng sức răn đe.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần đảm bảo  vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp,  Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, có đánh giá tác động cụ thể cho từng chính sách mới; rà soát, bổ sung thống kê các vụ xử lý vi phạm qua từng năm, từng lĩnh vực để đảm bảo cơ sở thực tiễn có tính thuyết phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo  cần tiếp tục rà soát lại các nhóm lĩnh vực nâng mức phạt tiền tối đa theo tinh thần không nhất thiết mức phạt của vi phạm hành chính lúc nào cũng phải thấp hơn hình sự. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban thẩm tra, các bộ ngành liên quan, cơ quan hữu quan hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp tới.