Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất Thủ tướng phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện, lưu hành và gây bệnh cho đàn gia súc tại Việt Nam từ hơn 100 năm qua (từ năm 1898). Để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do bệnh LMLM, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt, chỉ đạo tổ chức triển khai Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh LMLM qua 3 giai đoạn (2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020).

Tiêm phòng vaccine là giải pháp hữu hiệu phòng, chống bệnh lở mồm long móng.

Tại hội nghị Tổng kết Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức chiều 3/9, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, triển khai Chương trình, tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, T.Ư đã cấp cho các địa phương hơn 12,2 triệu liều vắc xin phòng bệnh LMLM để tiêm phòng cho đàn gia súc. Ngân sách các địa phương cũng đã chi trả cho hơn 30 triệu liều vắc xin LMLM cho đàn gia súc. Ngoài ra, doanh nghiệp, người dân cũng đã tự mua hơn 117 triệu liều vắc xin LMLM các loại.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Chương trình, ngân sách Nhà nước đã chi tổng cộng gần 1.432,7 tỷ đồng, chủ yếu cho công tác tiêm phòng vắc xin LMLM. Trong đó, ngân sách T.Ư bố trí khoảng 136,7 tỷ đồng (thấp hơn một nửa so với 279,26 tỷ đồng theo khái toán Chương trình). Ngân sách của 60/63 tỉnh, TP bố trí là 1.297 tỷ đồng.
Kết quả trong giai đoạn 3 (2016 - 2020), số ổ dịch giảm 12%, số gia súc mắc bệnh giảm 32% so với giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù vậy, từ năm 2016 đến nay, bệnh LMLM cũng đã xảy ra tại 57 tỉnh, TP trên phạm vi cả nước, với tổng số gia súc mắc bệnh lên tới 76.805 con. Số gia súc bị chết và phải tiêu hủy là 36.428 con.
Mặc dù số lượng gia súc mắc bệnh LMLM đang giảm dần qua các năm, tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đánh giá, nguy cơ xảy ra dịch bệnh này vẫn rấ lớn. Nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn rất phổ biến, nhất là chăn nuôi hộ gia đình khiến việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc gặp khó khăn. Mầm bệnh bài thải ra ngoài môi trường chăn nuôi và lưu hành ở đàn vật nuôi dù điều trị khỏi về triệu chứng lâm sàng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, tại đa số địa phương, điều kiện vệ sinh thú y chưa được cải thiện. Số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số. Nguy cơ xâm nhiễm bệnh LMLM từ các quốc gia lân cận cũng rất lớn do Việt Nam có đường biên giới dài, trong khi việc kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ gia súc vẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, LMLM là bệnh phức tạp, nguy hiểm nhất ở gia súc, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Nhờ tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong ngăn chặn nguy cơ của dịch bệnh này.
Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh LMLM, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp triển khai xây dựng và lấy ý kiến của các bộ ngành về Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh LMLM giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mục tiêu của kế hoạch là kiểm soát hiệu quả bệnh LMLM trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng vi rút LMLM ngoại lai. Phấn đấu số lượng ổ dịch LMLM và gia súc mắc bệnh giảm từ 10 - 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, xây dựng thành công, duy trì ít nhất 1.000 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với LMLM.