Chính sách được đưa ra tọa đàm là: “Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững”.
Tham gia tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các cơ quan T.Ư, bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến nội dung này.
Theo Trưởng phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp) Tạ Mai Vũ, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, vượt trội hơn so với các chính sách của T.Ư. Trong lĩnh vực y tế, TP ghi nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến chưa đồng đều, dẫn đến quá tải trong việc phân luồng, xử lý, giải quyết; cùng đó, trang thiết bị y tế tuyến cơ sở còn hạn chế.
“Qua khảo sát tại các quận, huyện, nhân lực y tế tuyến cơ sở là vấn đề nhức nhối, nhiều địa bàn tỷ lệ cán bộ y tế thấp, có phường trên 60.000 dân nhưng chỉ có 10 cán bộ y tế. Do đó, cần quan tâm tới chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này” - Trưởng phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp) Tạ Mai Vũ đề xuất.
Đại diện tuyến y tế cơ sở, bà Trần Thị Quế Lan - Phó Trưởng Phòng Y tế quận Hoàng Mai thừa nhận dân số trên địa bàn quận rất đông khiến lực lượng y tế cơ sở gặp khó khăn, thiếu nhân lực. Các chính sách đối với lực lượng y tế chưa đảm bảo dẫn đến nhân viên y tế ở các trạm xin nghỉ việc nhiều.
Đồng quan điểm, đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh thông tin, trên địa bàn huyện có 24 trạm y tế xã, thị trấn; trong đó, 1/2 trạm y tế không có bác sĩ. Một trong những địa bàn gặp khó khăn về nhân lực y tế, đó là xã Kim Chung có khu công nghiệp, khoảng hơn 40.000 người dân, trong khi, trạm y tế xã chỉ có 8 người.
“Chúng tôi rất mong chế độ, chính sách cho nhân viên y tế được đảm bảo; đồng thời, hệ thống y tế cơ sở được đầu tư cả về trang thiết bị và cả về nhân lực” - đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh đề xuất.
Theo TS Nguyễn Hà - Trưởng phòng Chính sách An sinh xã hội (Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐTB&XH), liên quan lĩnh vực y tế, lực lượng cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở trực thuộc ngành LĐTB&XH luôn bị thiếu, đặc biệt đối với các cơ sở cai nghiện ma túy, các cơ sở chăm sóc người tâm thần, khuyết tật.
“Đội ngũ y tế liên tục bị thay đổi và họ chỉ trụ lại thời gian ngắn bởi cơ chế tài chính và các cơ chế khác chưa giúp được lực lượng này chuyên tâm công tác. Do đó, nên bổ sung đề xuất cơ chế đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế” - TS Nguyễn Hà đề xuất.
Phát biểu tiếp thu và kết luận tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến và khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được Viện tiếp thu, tổng hợp và báo cáo TP để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng với chất lượng cao.