Đề xuất trao thêm thẩm quyền cho Thủ tướng trong giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách
Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Tờ trình Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Trung ương, đồng thời khắc phục một số bất cập, tạo cơ sở pháp lý phù hợp với thực tiễn. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số trong Kỷ nguyên phát triển - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn
Về nội dung sửa đổi, hoàn thiện, Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quy định thêm một số nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên.
Điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%; bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với bổ sung chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của Nhà nước; chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, một trong những điểm mới của Dự thảo Luật là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có quyền quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan Trung ương chi tiết chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương.
Dự thảo Luật cũng thay đổi căn bản phương thức phân chia các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc chiều 14/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia ngân sách Trung ương (70%) và ngân sách địa phương (30%). Bổ sung quy định phần 30% thuế giá trị gia tăng sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương.
Bổ sung quy định phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 2 nhóm các địa phương tự cân đối và không tự cân đối ngân sách (quy định trước đây là khoản thu ngân sách địa phương 100%).
Bổ sung quy định trường hợp địa phương cần huy động vốn vay lớn hơn mức dư nợ vay đã được quy định để thực hiện dự án trọng điểm, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định...
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định về các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) so với quy định hiện hành.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không bổ sung nội dung trên do một số nội dung chi đã được quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP; chi cho công tác quy hoạch liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn
"Để bảo đảm không luật hóa các nội dung của Nghị định, đề nghị không bổ sung các nội dung trên tại dự thảo Luật, đề nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu.
Về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, theo đó bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Đa số ý kiến nhận thấy, việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là quy định mới, cần có thời gian đánh giá mức độ phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, nhất trí với phương án Chính phủ trình, chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương; giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh việc sáp nhập các xã, cần có thời gian để làm rõ quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để bố trí ngân sách và phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp trong quản lý điều hành ngân sách.

Giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 117/QĐ-TTg về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Quốc hội thông qua phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025
Kinhtedothi - Chiều 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Theo đó, năm 2025, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách Trung ương là 1.020.164 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1470/QĐ-TTg giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.