Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội vào Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường thuộc các quận, thị xã của TP Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Theo các Dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Thời gian thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND, UBND các cấp, bắt đầu từ ngày 1/6/2021 đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm. Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 1/6/2021; UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND mới được thành lập.
Khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền của TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn giữ nguyên như hiện nay; rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, ngành của TP; tăng cường phân cấp, ủy quyền trong một số lĩnh vực từ TP cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện các giải pháp để củng cố chính quyền nông thôn tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật. Chính quyền tại các phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND, không tổ chức HĐND phường. Về tổ chức UBND gồm có Chủ tịch, từ 1-2 phó chủ tịch và các ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an; các thành viên UBND do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
Đáng chú ý, cùng với việc đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND phường, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội về kinh tế, quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch đô thị, xây dựng, đê điều; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc TP quản lý. Trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và xây dựng, HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thực hiện theo hình thức hợp đồng BT thuộc TP quản lý. Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCCVC do TP quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định...

 Đại diện các bộ, ngành tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí cần thiết xây dựng dự thảo các Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của Thủ đô giai đoạn tới; đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết cần đánh giá được tác động của việc thí điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan, đến giảm ngân sách, CBCCVC, bởi khi HĐND phường không còn thì việc ngoài việc chuyển giao nhiệm vụ cho cơ quan hành chính còn nhiều vấn đề khác cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Dự thảo các Nghị quyết có liên quan đến các quy định của Luật NSNN, nên các nhiệm vụ của HĐND phường cần được nghiên cứu và chuyển giao cho UBND quận, UBND phường thực hiện theo quy định. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ và UBND TP Hà Nội cân nhắc thời điểm trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra vào tháng 5/2021 để có đầy đủ thời gian chuẩn bị, vì nhiệm vụ này chưa được đưa vào chương trình của Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc ngày 21/10/2019.
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP này 19/5/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, song một số nội dung đang được xem xét vì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, các đề xuất liên quan tài chính cũng cần cân nhắc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP Hà Nội, đề nghị giữ nguyên như hiện nay là 35%. Đại diện Văn phòng T.Ư Đảng đề nghị tách thành 2 Tờ trình Chính phủ tương ứng 2 Nghị quyết để dễ dàng cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định.  Riêng về dự Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường thuộc các quận, thị xã của TP Hà Nội, đề nghị bổ sung thêm một Điều quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của UBND quận. Về chính sách đặc thù liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đại diện Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, đối với đất trồng lúa, đề nghị quy định tương ứng với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh; đối với đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cần quy định thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng từ 2 đến dưới 5ha hoặc nghiên cứu để tương ứng với Điều 20 của Luật Lâm nghiệp…
 Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất; mong muốn sẽ trình UBTV Quốc hội đề xuất đưa vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 nhằm thực hiện đúng lộ trình tại Kết luận số 46-KT/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đồng thời, sẽ nghiên cứu bổ sung nội dung về Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức bộ máy, CBCC.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa thống nhất với đề xuất trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 8 và đề nghị: Những cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các dự thảo, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu đảm bảo các văn bản chất lượng, đúng quy định pháp luật; các bộ, ngành liên quan gửi văn bản góp ý về Bộ Nội vụ để tổng hợp; Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội tiếp thu, tạo sự thống nhất, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp sớm thẩm định trước ngày 29/9 để trình Chính phủ; Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giúp các thủ tục trình UBTV Quốc hội và Quốc hội để kịp với thời gian của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tới đây.