Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Mức đầu tư sẽ không dừng lại ở 230.000 tỷ đồng

Vân Nhi (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, với tốc độ phát triển phương tiện như hiện nay, chỉ 5, 10 năm nữa các tuyến đường như QL1, đường Hồ Chí Minh sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, việc triển khai xây dựng một tuyến đường cao tốc đạt chuẩn chạy song song với các tuyến đường hiện hữu là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nguồn tiền trên sẽ lấy từ đâu? Theo đề án, để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Nhà nước sẽ hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (khoảng 40,7%), còn 136.286 tỷ đồng sẽ do các nhà đầu tư huy động. Và số tiến Nhà nước góp vốn sẽ được huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ, tức là huy động nguồn vốn trong Nhân dân. Vậy với số tiền 136.286 tỷ đồng còn lại nhà đầu tư sẽ huy động ở đâu?
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc phát triển đường cao tốc, rồi tiến hành thu phí là điều cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải lưu ý rằng, hiện cả 2 tuyến đường là QL1 và đường Hồ Chí Minh đang triển khai theo hình thức BOT, và thời hạn thu phí hoàn vốn trung bình là 20 năm, nếu thêm đường cao tốc Bắc – Nam cuộc sống của người dân và hoạt động của các DN vận tải sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, khi dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, cũng là lúc Nhà nước cần phải xem xét chấm dứt việc thu phí tại các dự án BOT trên QL1, để đảm bảo cuộc sống của người dân và hoạt động của DN.
Thế nhưng, như đã nói, hầu hết các dự án BOT hiện nay đều có thời gian thu hồi khoảng 20 năm. Do đó, nếu yêu cầu các DN này dừng thu phí, Nhà nước sẽ phải tiến hành mua lại quyền thu phí tại các dự án này. Như vậy, số tiền đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông, cũng như số tiền để dự án phát huy được hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở con số 230.000 tỷ đồng. Do đó, Nhà nước cần có biện pháp huy động nguồn vốn sao cho phù hợp và hiệu quả.