Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất xóa hơn 26,5 nghìn tỷ đồng nợ thuế: Lo ngại tính công minh

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa có văn bản lấy ý kiến vào Dự thảo về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi với số tiền ước tính xóa nợ lên đến 26,5 nghìn tỷ đồng.

Trước đề xuất này, nhiều ý kiến lo ngại về việc công khai, minh bạch cũng như sự công bằng giữa các DN được xóa nợ và không được xóa nợ.
Nhiều trường hợp được xóa nợ

Theo Dự thảo, có 3 trường hợp chính được Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ. Thứ nhất là xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán, với số tiền 542,5 tỷ đồng.
 Ảnh minh họa.
Thứ 2 là xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, với số tiền tính đến thời điểm 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng. Thứ 3, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng kinh doanh trước ngày 1/1/2017 cũng được đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, với số tiền lên đến 24.302 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng hơn 26.500 tỷ đồng. Bộ này cũng đề nghị khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá một năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Lo ngại khâu giám sát, triển khai

Theo các chuyên gia, việc xóa nợ thuế sẽ làm ngân sách giảm thu nhưng là cần thiết để DN sau khi sắp xếp lại có thể phục hồi, quay trở lại nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các chuyên gia lo ngại là làm sao giám sát các tiêu chí xóa nợ đảm bảo công bằng, minh bạch, để các DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế không bị thiệt thòi.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước đây, chúng ta đã có tiền lệ xóa nợ thuế cho một số DN không có khả năng thu hồi. Điều này giúp Chính phủ dứt điểm làm sạch bản cân đối ngân sách tài chính, phía DN cũng vậy. Bên cạnh đó, việc xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi cho DN còn giúp giảm tỷ lệ DN phá sản, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, từ đó DN có điều kiện tiếp tục hoạt động, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, việc xóa nợ thuế cũng sẽ tạo ra tình trạng DN lạm dụng, gây bất bình đẳng giữa các DN và tác động trực tiếp tới số thu ngân sách. “Mặc dù vậy, để lựa chọn giữa cái mất nhiều và ít thì CP bắt buộc phải xóa nợ thuế cho DN không có khả năng thu hồi” - ông Phong nói.

Đối với ngân sách, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Tại chức kiêm giảng viên cao cấp bộ môn Thuế, Học viện Tài chính đánh giá, việc xóa nợ thuế, xóa tiền phạt, xóa tiền chậm nộp thoạt nhìn có vẻ như là một sự mất mát của ngân sách vì đã “xóa” đi không thu nữa, nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Trong nhiều trường hợp, những DN thực tế đã phá sản, đã bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh thì dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không. Thêm vào đó, việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những DN bị khó khăn bất khả kháng giúp DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, DN có khả năng trả tiền nợ thuế (trường hợp này chỉ xóa tiền chậm nộp chứ không xóa nợ thuế), đồng thời tạo tiền đề tăng thu NSNN trong tương lai. Ông Trường cùng thừa nhận, mọi lựa chọn đều có tính hai mặt. Chẳng hạn như, nếu quy trình xử lý không chặt chẽ thì sẽ xóa nợ cho một số DN cố tình chây ỳ nợ thuế rồi tự ý bỏ địa điểm kinh doanh không làm thủ tục giải thể theo quy định pháp luật. Điều này, khiến cho môi trường kinh doanh không công bằng và thiệt thòi cho NSNN.

"Chính phủ cần có sự giải thích rõ ràng, tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân khách quan của DN. Cùng với đó, để tránh tình trạng lạm dụng cần công khai và lưu giữ danh sách những DN được xóa nợ, với tỷ lệ được xóa cụ thể là bao nhiêu." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong