Đây là khẳng định của ông Vũ Anh Hưng - Giám đốc giải pháp của Dell tại Việt Nam với Báo Kinh tế & Đô thị về xu hướng ứng dụng IoT vào hoạt động kinh doanh của DN Việt. Trên thế giới, việc triển khai kinh doanh trên nền IoT đang là hướng đi gần như bắt buộc với nhiều DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. PV: Dell sẽ tạo những điều kiện gì để trợ giúp DN Việt Nam ứng dụng IoT vào hoạt động kinh doanh, thưa ông ? Ông Vũ Anh Hưng: Đối với Việt Nam, Dell xác định sẽ tạo điều kiện những điều kiện tốt nhất cho DN có thể phát triển các giải pháp IoT. Với thế mạnh của mình, Dell sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết nhất để các nhà phát triển có thể đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Không giống như các DN lớn trên toàn cầu có thể phát triển giải pháp IoT của riêng mình với quy mô lớn, DN Việt lại cần một hạ tầng vừa phải với kiến trúc không quá phức tạp. Do đó, ở IoT của Dell tại Việt Nam sẽ là hệ thống hoàn toàn mở nhằm giúp các DN tham gia dễ dàng tùy biến theo nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ, thời điểm ứng dụng IoT ban đầu sẽ không cần đầu tư quá lớn, tùy theo nhu cầu phát triển DN có thể mở rộng thêm. Việc này giống nhu trò chơi Lego, DN có thể dần dần lắp ghép các giải pháp nhỏ để có một giải pháp tổng thể lớn.
PV: Vậy Dell sẽ triển khai IoT ở Việt Nam theo hướng nào, thưa ông ? Ông Vũ Anh Hưng: Trên thế giới IoT có rất nhiều hướng triển khai khác nhau, tuy nhiên với Dell đó là "ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nghề" và đây cũng được xác định là hướng đi phù hợp nhất với DN Việt Nam. Cụ thể, thay vì xây dựng những trung tâm xử lý dữ liệu chung như thường thấy, ở Việt Nam, Dell sẽ ứng dụng thẳng vào ngành nghề bằng những dữ liệu chuyên sâu dành riêng. Từ y tế, công nghệ cho đến viễn thông... đều có công nghệ riêng. Sự giao thoa các nền tảng công nghệ này vào với nhau nhằm thành một nền tảng chung thì sẽ thành IoT. Giải pháp của Dell là sẽ mang tất cả dữ liệu được phát sinh của những ngành chuyên môn trên tới người dùng, người quản lý để họ có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất, thậm chí là ở thời gian thực khi mà dữ liệu được tạo ra hàng giờ, hàng phút. Dell quyết tâm phát triển IoT tại Việt Nam vì đây là lĩnh vực bắt buộc tất cả các nhà phát triển công nghệ sẽ phải hướng tới trong tương lai. Hiện nay áp lực xử lý dữ liệu trên toàn cầu là rất lớn, đến từ smartphone, máy tính, thiết bị công nghệ trong xe ô tô... và IoT sẽ giải quyết tốt vấn đề này. PV: Theo ông, IoT sẽ mang lại cho các tổ chức, DN Việt Nam những thuận lợi gì? Ông Vũ Anh Hưng: Hiện nay, việc xử lý dữ liệu như thế nào đang là một áp lực rất lớn về mặt chi phí đặc biệt là đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa, giao thông vận tải, y tế và bán lẻ. Tuy nhiên, nếu áp dụng IoT, khoản tiền này sẽ giảm đi rất nhiều. Từ đó giúp DN có cơ hội phát triển lĩnh vực mới nhằm tạo ra nguồn doanh số và doanh thu mới. Như vậy, IoT là giải pháp giúp giải quyết những vấn đề mà hầu hết DN "chăn trở" là kiểm soát chi phí và tạo ra doanh thu. Không những thế IoT cũng giúp cho các tổ chức xây dựng nên các hệ thống thông minh hơn. Như Chính phủ thông minh, y tế thông minh, khu vực hạ tầng thông minh hay quản trị năng lượng thông minh... giúp chi phí xã hội giảm đi rất nhiều. Có thể kể đến như trường hợp các hãng bảo hiểm ở châu Âu nhận thấy mình đang phải chi trả quá nhiều tiền cho những bệnh nhân bị bệnh tim đến khám và theo dõi ở bệnh viện, vì vậy họ đã tìm đến giải pháp IoT. Từ đó các hệ thống công nghệ như SHealth trên smartphone đã ra đời, nó sẽ giúp kiểm soát được việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, tự đo các chỉ số và gửi trực tiếp tới bác sỹ điều trị. Sau khi có những thông tin trên, bác sỹ có thể tư vấn các sinh hoạt phù hợp cho bệnh nhân qua điện thoại. Đây là một trong rất nhiều tiện lợi mà IoT mang lại cho con người. PV: Để phát trển IoT ở Việt Nam thường gặp phải những thách thức và khó khăn nào, thưa ông? Ông Vũ Anh Hưng: Thách thức lớn nhất của IoT tại thị trường Việt Nam là nếu đầu tư xong thì sẽ thu lại như thế nào ?, bởi chưa có trường hợp nào cụ thể để có thể tham chiếu. Cũng chính vì chưa có "người đi trước" nên không biết hướng triển khai có đúng không hoặc có cần thay đổi gì không? Bên cạnh đó còn có những khó khăn khác như đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu. Không những thế vẫn còn nhiều dấu hỏi về việc các mối liên hệ giữa các ngành nghề về CNTT ở Việt Nam đã đủ chặt chẽ chưa, chia sẻ thông tin như thế nào, đã tạo cơ chế để chia sẻ thông tin với nhau hay trao đổi về mặt CNTT chưa ? Chính vì vậy Dell cùng với một số đối tác sẽ cùng đưa ra các chuẩn hóa một số kết nối, theo hướng càng ít càng tốt nhằm giảm thiểu chi phí và giúp IoT có một chuẩn chung để tất cả các đơn vị đều làm việc trên đó được. Vâng, xin cảm ơn ông !
Ông Vũ Anh Hưng: IoT sẽ giúp DN Việt tiết kiệm đáng kể chi phí trong quá trình hoạt động |
Internet of Things (IoT) là một giải pháp công nghệ đang dần phổ biến trên thế giới. Theo đó, mỗi đồ vật, mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. |