Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đêm 16/10, bão số 11 giật cấp 9 vào đất liền Thanh Hóa - Quảng Trị

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai tổ chức họp khẩn ứng phó bão số 11. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng văn T.Ư Hoàng Đức Cường thông tin, chiều nay bão di chuyển dịch chuyển theo hướng Tây Bắc, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 750km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10 - 11, giật cấp 13. Theo dự báo của các quốc gia cho xu hướng chung bão sẽ dịch chuyển lên phía Bắc, đi vào Vịnh Bắc Bộ, tương tác với không khí lạnh và xu hướng dịch chếch xuống tây Tây Nam. Khu vực dự kiến ảnh hưởng trong 2 - 3 ngày tới là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Cường độ bão khi vào đảo Hải Nam sẽ đạt mạnh nhất cấp 11 - 12, sau đó vào Vịnh Bắc Bộ sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đáng chú ý, ngày 16/10 có không khí lạnh, khô nên sẽ giúp giảm cường độ bão. Theo đó, bão sẽ khó mạnh lên sau khi đi vào Vịnh Bắc Bộ. Dự báo đêm 16/10, bão sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Trị với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Nhận định trên cũng phù hợp với dự báo của Nhật Bản, Hồng Kông…
 Toàn cảnh cuộc họp chiều 14/10 ứng phó bão số 11.
Do ảnh hưởng của bão , từ đêm 15/10, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Vùng nguy hiểm của biển thuộc toàn Bắc biển Đông, cụ thể là từ Bắc Vĩ tuyến 14 và phía Đông Kinh tuyến 111, vùng nguy hiểm sẽ được tiếp tục cập nhật.

Liên quan tới diễn biến mưa, khu vực Thanh Hóa - Quảng Trị từ 100 - 200mm. Các khu vực khác mưa vừa. Khu vực nguy hiểm nhất là Lạng Sơn, Bắc Cạn, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Lượng mưa sẽ thấp hơn ở Hòa Bình, Sơn La. Ông Cường thông tin thêm, do ảnh hưởng của mưa lớn kết hợp với không khí lạnh nên từ 16 - 18/10, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi chuyển rét.

Còn 68 tàu hoạt động gần vùng nguy hiểm

Thông tin từ Đại tá Trần Dương Kiên - Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, hiện 68 tàu với trên 500 lao động đang hoạt động ở vùng biển phía Bắc Hoàng Sa. Các tàu đã nhận được thông báo bão. Kiến nghị Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị các nước lân cận hỗ trợ trú tránh.

Thiếu tướng Trương Quang Nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã huy động 322.869 người tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại các trọng điểm, đều cử Tư lệnh chỉ huy trực tiếp các lực lượng. Hiện, nguy cơ vỡ hồ đập vẫn rất đáng lo ngại. Đề nghị: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tìm kiếm người mất tích. Khôi phục những nơi chia cắt. Tăng cường khả năng ứng phó đốivới những khu vực đã bị mưa lớn thời gian qua. Duy trì ứng trực thường xuyên và đặc biệt là “4 tại chỗ” để xử lý kịp thời sự cố. Đặc biệt, không được phép chủ quan đối với vấn đề bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền trên biển.

126 xã vẫn chưa có điện

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải cho biết mưa lũ những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện. Đến nay, còn 126 xã đang bị ảnh hưởng chưa cấp được điện trở lại.

Hiện, EVN đang tích cực chỉ đạo khôi phục hệ thống điện theo chiều nước rút. Hiện các hồ chứa thủy điện ở Bắc và Trung Bộ có 14 hồ thủy điện, phần lớn đang gần đầy và đã đầy. Riêng hồ Hòa Bình, mực nước đang ở 115,4m, dung tích còn khoảng 300 triệu m3. Hiện, hồ Thác Bà, Tuyên Quang, Hố Hô (Hà Tĩnh) đang xả.

221 hồ xung yếu nguy cơ mất an toàn

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh: Hiện có 221 hồ xung yếu thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ. Cơ bản các hồ chứa đã đầy hoăc gần đầy. Sự cố chủ yếu ở các hồ nhỏ, đập đất. Các địa phương cũng có giải pháp là đào cạnh tràn để hạ thấp mực nước. Hiện, hầu hết các hồ đã được giữ ở mức an toàn. Hiện, đang huy động, tập trung lực lượng xung kích chủ động hạ tràn. Hiện, 126.500ha bị ngập, chủ yếu ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam. Trong đó, 13.300ha bị ngập trắng. Nhưng con số trên còn có thể tăng nữa vì khả năng tiêu thoát của các trạm bơm tiêu còn hạn chế. An toàn hồ chứa, nặng nhất vẫn là Thanh Hóa 20, Nghệ An 25, Hà Tĩnh 10 hồ xung yếu. Toàn Bắc Trung Bộ có 85 hồ.

Không được phép chủ quan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Bão số 11 xảy ra khi toàn phía Bắc và Trung Bộ đang trải qua đợt mưa lớn lịch sử, diễn ra trong thời gian ngắn (chỉ khoảng 2 ngày). Nếu lượng mưa bão số 11 lớn, nguy cơ tổn thương đối với các khu vực vừa trải qua đợt mưa là hết sức nghiêm trọng. Đáng lo ngại, việc dự báo còn nhiều khó khăn nên không được phép chủ quan.

Theo đó, cần chuẩn bị tinh thần cao nhất đón bão. Về công tác dự báo: bám sát, cập nhật liên tục thông tin bão, theo tần suất 3 giờ/lần. Tiếp tục thông tin, bảo đảm an toàn cho phương tiện tàu thuyền trên biển. Trên cơ sở nhận dạng thông tin bão gần, thông báo cho các địa phương chủ động “cấm biển”.

Trọng tâm ứng phó sẽ là các tỉnh ven bờ. Cùng với tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, cần khẩn trương tìm kiếm người còn bị mất tích, thăm hỏi động viên gia đình có người thân thiệt mạng. Đối với những vùng dân cư bị cô lập, không thể người dân thiếu ăn, thiếu nước. Tập trung khắc phục hệ thống giao thông, nhất là QL6, QL1, hệ thống điện.

Đối với an toàn hồ chứa: Yêu cầu tổng kiểm tra công trình đập. Tiếp tục rà soát, có giải pháp quản trị chặt chẽ, vận hành đúng quy trình cho các hồ thủy lợi. Đối với sản xuất: Tập trung hướng dẫn tiêu độc, phòng độc, không để bệnh tật phát sinh, lây lan. Đẩy nhanh thu hoạch lúa đã chín. Chăm sóc, khôi phụ diện tích cây vụ Đông đã rút nước. Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai tổng hợp nhu cầu giống của người dân bị thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất. Các thành viên khác, căn cứ chức năng nhiệm vụ, tích cực triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó bão số 11, trên tinh thần chủ động.