Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đem chuông đi đánh xứ người”, nhiều DN Việt vẫn mất cảnh giác

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quá trình hội nhập sâu rộng đem đến nhiều cơ hội mới cho DN Việt, song song với đó cũng xuất hiện không ít tình trạng lừa đảo tinh vi, khiến DN Việt tổn thất nặng nề.

Hồi chuông cảnh báo về tranh chấp thương mại

Đầu tháng 3 vừa qua, một nhóm DN Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Italia, tuy nhiên sau khi xuất hàng đi lại không nhận được thanh toán và có những dấu hiệu nghi bị lừa đảo.

Sau khi các Bộ ngành liên quan của cả 2 nước cùng vào cuộc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp hội đàm với Thủ tướng Italia Mario Draghi và đề nghị hỗ trợ, sự việc mới được giải quyết. Đến nay, sau 5 tháng, toàn bộ các container hạt điều của DN Việt nghi bị lừa đảo tại Italia mới được trả lại quyền sở hữu cho các DN.

Chia sẻ về bài học xương máu này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam Bạch Khánh Nhựt cho hay, nguyên nhân dẫn đến các DN bị lừa là quá tin tưởng vào Công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, có được những đơn hàng lớn nên DN mong muốn bán được hàng; nhất là vào thời điểm thị trường ít có giao dịch. Cùng với đó, phương thức thanh toán nhiều rủi ro.

DN Việt sơ chế tôm xuất khẩu
DN Việt sơ chế tôm xuất khẩu

Câu chuyện của các DN điều Việt Nam cũng là tình trạng của rất nhiều DN đã gặp phải.  Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn thông tin, mỗi năm, DN toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tỷ lệ DN cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát như sau: Năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài.

Về phía các DN Việt Nam, 52% DN tham gia khảo sát của PwC từ Việt Nam cho biết, họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu

Theo ông Đậu Tuấn Anh, các DN Việt Nam chưa chú trọng những biện pháp chống lừa đảo và không nhiều DN Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước. Nguyên nhân do không tin tưởng vào năng lực chuyên môn cơ quan Nhà nước, lo ngại thông tin bị lộ, lọt ra công chúng.

Tham tán Công sứ Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh chỉ ra: “Qua vụ việc hạt điều vừa rồi, không phải DN chúng ta dốt mà quá tốt và quá tin vào đối tác. Đây là những sai lầm cơ bản của không phải một vài mà rất nhiều DN Việt hiện nay. Muốn “đem chuông đi đánh xứ người”, DN cần thận trọng khi chọn đối tác, cảnh giác không để bị lừa đảo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động hội thảo, đào tạo nghiệp vụ cho DN”.

DN không nên "đơn thương, độc mã"

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các DN Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn trong hoạt động thương mại quốc tế. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro, hành trang mà các DN cần trang bị khi bước vào tiến trình hội nhập là hết sức quan trọng. Trong đó, cần tìm hiểu khách hàng, đối tác một cách kĩ lưỡng trước khi tiến hành giao dịch.

Tuy nhiên, DN không nên “đơn thương, độc mã” trên hành trình “đem chuông đi đánh xứ người”. DN có thể thông qua các cơ quan của Việt Nam và nước ngoài, cơ quan Thương vụ nhờ kiểm tra. Ngoài ra, DN còn có thể sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về các thông tin DN. Đặc biệt, DN nên sử dụng dịch vụ bảo hiểm để có thể hạn chế tối đa rủi ro. Bởi nếu như xảy ra biến cố, DN vẫn có thể thu hồi được lại một phần lợi ích vật chất trong những trường hợp rủi ro.

 

"Trong thương mại quốc tế, các lừa đảo và tranh chấp mà DN thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp. Đó có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà DN Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm." - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải

Còn theo Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam Ngô Khắc Lễ, DN nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn. Cùng với đó, DN nên thận trọng hơn với đối tác mới giao dịch lần đầu thì cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. DN cũng nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch, qua đó, biết được thông tin của đối tác.

Ngoài ra, DN có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các DN xuất nhập khẩu, đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng.

“DN nên dùng Trọng tài giải quyết tranh chấp thay cho Toà án như các DN trong vụ việc này đã thoả thuận trong hợp đồng để linh hoạt và nhanh chóng khi sự việc xảy ra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như trong vụ việc này để hạn chế hoặc tránh thiệt hại” - ông Ngô Khắc Lễ nhấn mạnh.