Đêm phố cổ: Thương hiệu du lịch Hội An

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình “Đêm phố cổ” đã gắn liền với Hội An 16 năm qua và trở thành thương hiệu không chỉ ở trong nước mà còn quen thuộc với với nhiều khách du lịch quốc tế.

Ngày 7/10, UBND TP Hội An đã tổ chức buổi tổng kết chương trình 16 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ Hội An” và 10 năm thực hiện đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”.

Trung tâm Văn hóa-Thông tin TP. Hội An cho biết việc xây dựng không gian văn hóa truyền thống với các hoạt động tái hiện đời sống người dân phổ cổ đầu thế kỷ 20 đã có những hiệu quả tích cực. Nhờ đó, Hội An thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với hàng chục triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước.
 Đêm phố cổ là một sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Đêm phố cổ là một sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Đề án "Đêm phố cổ" đã được Thành phố thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 8/9/1998 với các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của Hội An xưa. Ví dụ như chơi bài chòi, đập nồi, hò khoan đối đáp, xướng họa thơ đường, nhóm thơ truyền thống, trò chơi cờ tướng, cờ làng. Ngoài ra còn có các chương trình biểu diễn võ thuật truyền thống, trình tấu nhạc cổ truyền, dạy hát dân ca, thư pháp, biểu diễn tuồng, hát nhạc cổ điển, nhóm nhạc thính phòng, chợ đêm, thả đèn trên sông hay âm nhạc đường phố.

Sau gần 16 năm thực hiện, "Đêm phố cổ" vẫn phát huy giá trị, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người thưởng lãm và trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật của Hội An. Đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân Hội An cũng như du khách trong và ngoài nước.

Theo thống kê của TP. Hội An, vào thời điểm có hoạt động “Đêm phố cổ” thì lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng 262,7%. Từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã tổ chức thêm 35 đêm phố cổ thu nhỏ phục vụ hơn 3.000 lượt khách Pháp, Nhật, Australia, Anh, Nga và khách trong nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách đến thưởng lãm “Đêm phố cổ” ngày càng tăng trong khi sự hưởng ứng của một số hộ dân có phần giảm sút. Những điều này dẫn đến chất lượng hoạt động “Đêm phố cổ” giảm sút, công tác vệ sinh trên một số tuyến phố chưa sạch, có hiện tượng không niêm yết giá, tình trạng chèo kéo khách mua hoa đăng vẫn còn diễn ra.

 
Du khách tới Hội An đều thích thú với phố đi bộ. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Du khách tới Hội An đều thích thú với phố đi bộ. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP. Hội An cho biết, “Đêm phố cổ Hội An” và “Phố đi bộ” thực sự đã trở thành linh hồn, chứa đựng không gian không thể phai mờ trong lòng du khách. Các hoạt động văn hóa này đã gắn liền với Hội An 16 năm qua và trở thành thương hiệu không chỉ ở trong nước mà còn quen thuộc với nhiều khách du lịch quốc tế.

Để có được sản phẩm du lịch độc đáo này là sự đồng thuận và kiên trì hưởng ứng tích cực công dân phố cổ. Chính sự đồng lòng của người dân, hy sinh nhiều tiện ích trong đời sống và sinh hoạt để tái hiện không gian “Di sản sống” nên Hội An mới được như ngày hôm nay.

TP. Hội An cho biết, trên cơ sở phát huy những mặt thành công trong 16 năm qua, Thành phố sẽ chấn chỉnh những thiếu sót và xem xét mở rộng thêm những chương trình nghệ thuật, không gian mới để Hội An luôn là điểm đến có dấu ấn riêng, ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách trong và ngoài nước.

TP. Hội An đã được nhận được nhiều danh hiệu do các tổ chức, tạp chí quốc tế nổi tiếng bình chọn: “Hội An, thành phố được yêu thích nhất thế giới”, “Hội An, thành phố cảnh quan 2013”, “Hội An nằm trong top 20 địa điểm thú vị để tận hưởng cuộc sống về đêm”. Mới đây, website du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor đã bình chọn Hội An xếp thứ 14 trong “Top 25” điểm đến châu Á được du khách yêu thích nhất với nhận xét: “Từng là điểm dừng chân phổ biến đối với khách du lịch ba lô, giờ đây phố cổ Hội An ngày càng trở nên nổi tiếng với khách du lịch quốc tế. Cứ vào ngày 14 âm lịch hằng tháng, Thành phố này sẽ thay đèn điện bằng những chiếc đèn lồng truyền thống đầy màu sắc…”