Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đêm thứ 7 sáng đèn chỉ mong chèo không lỗ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ tháng 6/2017, chiếu chèo Hà Nội sẽ sáng đèn tất cả các buổi diễn thứ 7 ở Rạp Đại Nam (89 phố Huế). NSND Trịnh Thúy Mùi – Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: Hai năm nay, chèo Hà Nội duy trì được 2 đêm biểu diễn/tuần tại rạp 15 Nguyễn Đình Chiểu, doanh thu không lãi nhưng cũng không lỗ.Mở thêm “Hà Nội đêm thứ 7” cũng chỉ mong chèo không lỗ.

Vở chèo “Nàng Sita” sẽ được công diễn trong chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”.

Hiện nay, ở Hà Nội không có điểm diễn sân khấu sáng đèn cố định trong tuần. Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ khả dĩ hơn các nhà hát khác là nhờ công tác tiếp thị truyền thông đến chiếc lược “bắt tay” giữa các sân khấu với các DN. Thế nên, ai cũng bảo Nhà hát Chèo Hà Nội liều lĩnh đưa ra kịch mục cố định cho “Hà Nội đêm thứ 7” chỉ để phục vụ khán giả mê chèo truyền thống, không phải là kết nối tour tuyến du lịch. Với chương trình này, Nhà hát Chèo gần như tung toàn lực cho một sân chèo đúng nghĩa. Không chỉ chuẩn bị một lực lượng diễn viên trẻ, mà những người đã từng là “ngôi sao” sân khấu những năm 80 của thế kỷ trước, dù nay đã lui về quản lý vẫn góp mặt trong các đêm diễn như: NSND Quốc Chiêm, NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, … “Nghệ sĩ Quốc Chiêm nổi tiếng vai Pơ Lieem trong vở “Nàng Sita” giờ là Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cũng sẽ tham gia vào “Hà Nội đêm thứ 7”. Anh ấy sẽ tham gia vào những vai diễn thích hợp như vai Phú Ông trong vở chèo cổ Quan âm thị Kính, chứ không thể đóng vai chàng trai Pơ Liêm tuổi vừa đôi mươi như thuở nào” – NSND Thúy Mùi tâm sự.
Tham gia sân diễn lần này có lẽ chỉ vắng NSƯT Xuân Hinh là một trong các gương mặt nghệ sĩ của Nhà hát Chèo qua nhiều thế hệ. Bởi người vẫn được xưng là “vua hài đất Bắc” đang trong giai đoạn làm đơn xin nghỉ chế độ sớm. “Giờ bước sang tuổi 57 có hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, đã đến lúc tôi cần nghỉ ngơi chăm lo cho gia đình của mình, dưỡng sức tuổi già” – nghệ sĩ Xuân Hinh nói về lý do xin nghỉ hưu sớm của mình. Anh vẫn hứa hẹn sẽ trở lại biểu diễn khi tìm được những chương trình phù hợp.
Theo Giám đốc Nhà hát Trịnh Thúy Mùi, các chương trình này không lãi và không lỗ vì vẫn quay vòng trả lương đủ được cho nghệ sĩ. Mở thêm sân chơi “Hà Nội đêm thứ 7” chèo cũng hy vọng doanh thu lớn mà chỉ mong Hà Nội có một địa chỉ đỏ cho chèo. “So với sân khấu phía Bắc, một năm chèo Hà Nội diễn hơn 400 buổi là điều không dễ đạt được. Nhưng  chúng tôi tự tin vì có điểm diễn ở trung tâm TP, có 3 đoàn  diễn thay nhau và kịch mục có thể diễn suốt 20 buổi mà không bị trùng lặp” – bà Trịnh Thúy Mùi chia sẻ về niềm tin để duy trì “Hà Nội đêm thứ 7”.
Hà Nội đang thiếu những điểm vui chơi giải trí nhưng nghệ thuật truyền thống lại chật vật để sinh tồn. Nhiều người trách sân khấu già cỗi không chịu đổi mình, nhưng rõ ràng trong thời buổi hiện nay nếu chèo, tuồng cũng công nghiệp các hình thức thể hiện: Hát nhép, dùng nhạc nền điện tử… thì chắc chắn bản sắc cũng bị phai nhạt. Chính vì vậy, giữ được địa chỉ sáng đèn cố định cho chèo đã là nỗ lực.
“Hà Nội đêm thứ 7” sẽ không chỉ có chèo cổ như: “Nàng Sita”, “Quan âm thị Kính”, “Ngọc Hân công chúa”, “Quan lớn về làng”; mà còn có cả những chương trình nghệ thuật dân gian với 12 giá đồng, các trích đoạn chèo ngắn, phối hợp tương tác giao lưu cùng khán giả.