Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt sàn vàng ảo đã bị cơ quan công an đánh sập. Hàng trăm tỷ đồng không cánh mà bay, hàng ngàn nhà đầu tư (NĐT) mất trắng, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở người dân, chứ hoàn toàn chưa có giải pháp gì để hạn chế.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức về vấn đề này.
Chênh lệch giá vàng cao, vàng lậu “nóng”Cơ quan chức năng vừa bắt giữ hơn 30kg vàng lậu. Nguyên nhân nào khiến vàng lậu lại “nóng” sau thời gian dài thị trường vàng lặng sóng, thưa ông?
- Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao là nguyên nhân khiến vàng lậu tiếp tục “nóng”. Thời gian qua, chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường này đa số đều trên 4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch càng cao thì lợi nhuận mà giới buôn lậu vàng thu được sẽ càng lớn.
Trước đây, lãnh đạo NHNN từng khẳng định, với quy trình kiểm soát chặt chẽ, sẽ không có cửa để hợp pháp hóa vàng lậu. Vậy, tại sao giới buôn lậu vẫn tuồn vàng vào Việt Nam, thưa ông?
- Theo quy định tại Nghị định 24/2012/ NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, NHNN kiểm soát 24/24 giờ quá trình sản xuất, gia công vàng miếng SJC, vàng lậu sẽ khó có cơ hội chui vào máy dập vàng SJC. Tuy nhiên, trên thị trường hiện không chỉ có vàng miếng SJC mà còn có vàng nhẫn, vàng trang sức... Hiện nay, đa số các DN vẫn đang phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Bởi vậy, đâu cần phải chui vào máy dập SJC thì vàng lậu mới có đất sống.
Người dân chọn mua vàng tại một cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt
Chủ trương cho DN kinh doanh vàng nhập khẩu đã có, tuy nhiên, đến nay chưa nhiều DN có thể thực hiện việc nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo ông, NHNN có nên xúc tiến nhanh chủ trương này để DN không phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường như thời gian qua?
- Việc cho DN nhập khẩu vàng là cần thiết, quan trọng nhất là quản lý tốt về thuế, đăng ký kinh doanh, chất lượng vàng... để không gây ra những hệ lụy.
Chưa rõ ràng, minh bạch thông tin về sàn vàngDù không được cấp phép nhưng các sàn vàng vẫn có sức cám dỗ lớn với NĐT. Tại sao và giải pháp nào để hạn chế tình trạng NĐT trắng tay trên sàn vàng, thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân khiến các sàn vàng vẫn thu hút người chơi dù hoạt động bất hợp pháp. Đòn bẩy tài chính cao, lợi nhuận hấp dẫn, trụ sở to, hoành tráng khiến nhiều NĐT tin tưởng... - đó là các “chiêu” để sàn vàng mời mọc được khách hàng. Hơn nữa, đầu tư vàng là nhu cầu có thật của một số người dân và NĐT. Có cầu nhưng không có cung nên các sàn vàng dù bất hợp pháp vẫn có đất sống.
Một vấn đề quan trọng nữa là chúng ta chưa rõ ràng, minh bạch thông tin về sàn vàng. Trong số hàng ngàn NĐT bị sàn vàng lừa đảo thời gian qua, rất nhiều NĐT không biết hoạt động của các sàn này là bất hợp pháp. Không cấp phép sàn vàng hoạt động nhưng thông tin và quản lý không chặt, không rõ ràng khiến người dân sa bẫy. Người dân cứ thấy lãi suất cao, trụ sở sang trọng, nằm ngay trong các tòa nhà nhà lớn giữa trung tâm Thủ đô... thì nghĩ là yên tâm. Vì thế, họ đầu tư và giờ mất trắng.
Nhưng sau mỗi vụ bắt sàn vàng, NHNN cũng đã có cảnh báo người dân, đây là một kênh đầu tư đầy rủi ro và cơ quan này chưa cấp phép sàn vàng nào?
- Thời gian qua, NHNN mới chỉ dừng ở mức thi thoảng nhắc nhở người dân, chứ hoàn toàn chưa có giải pháp gì để hạn chế và chấm dứt tình trạng sàn vàng lừa đảo khách hàng.
Các giải pháp cụ thể là gì, thưa ông?
- Có mấy vấn đề NHNN cần để ý. Thứ nhất là đáp ứng nhu cầu đầu tư của người dân. Cả thế giới có kênh đầu tư vàng cho người dân, tại sao chúng ta lại không?
Thứ hai, cần phải minh bạch thông tin về sàn vàng. Mới đây, đại diện NHNN cho biết, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và NHNN cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản). Như vậy, sàn vàng chưa được cho phép chứ không cấm. Nếu hoạt động sàn vàng là chưa được cho phép thì phải công bố rộng rãi thông tin để người dân biết, chứ không phải đến khi “tiền mất, tật mang” thì mới nói rằng, chưa cấp phép sàn vàng, người dân hãy cẩn thận.
Thứ ba, nếu thị trường ổn định, giá trị VND được nâng cao... thì không ai dại gì đổ xô vào vàng nữa. Họ sẽ tìm các kênh đầu tư khác như đầu tư sản xuất, kinh doanh, bất động sản, chứng khoán...
Nói về kênh đầu tư vàng, trước đây, chúng ta đã có các sàn vàng nhưng hoạt động không hiệu quả. Làm sao để tránh “vết xe đổ” này, thưa ông?
- Đầu tư vàng là một kênh rất mạo hiểm. Vì vậy, cần xây dựng lộ trình, hành lang pháp lý và có các biện pháp chặt chẽ quản lý sàn vàng nói riêng và các kênh đầu tư vàng nói chung để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân và không gây ra các hệ lụy.
Xin cảm ơn ông!