Đến lúc tập trung hơn cho tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của cả nước tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước.

 Nếu đặt trong mục tiêu năm nay (theo Nghị quyết của Quốc hội là CPI tăng 7%, tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 5,8%) đã đến lúc phải tập trung hơn cho tăng trưởng.

Có thể yên tâm với lạm phát

Với mức tăng 4,94% trong 7 tháng năm 2014, CPI bình quân chỉ tăng 0,23%/tháng. Như vậy, dù bình quân mỗi tháng trong 5 tháng còn lại của năm tăng 0,84%, thì CPI cả năm cũng chỉ tăng thấp hơn 6%. Không những tăng thấp hơn mức 7% như Nghị quyết của Quốc hội, mà còn thấp hơn tốc độ tăng 6,04% của năm trước và còn thấp nhất tình từ năm 2004 đến nay, nên đến thời điểm hiện tại, có thể nói nền kinh tế đã yên tâm hơn với mối lo lạm phát.

Dự báo này xuất phát từ các yếu tố tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm. Đầu tiên, xét ở yếu tố chi phí đẩy, có ba điểm đáng lưu ý. Giá nhập khẩu tính bằng USD trong 6 tháng đầu năm đã giảm 2,31%, khả năng 6 tháng cuối năm cũng không tăng lên, thậm chí vẫn còn giảm.

 
Tốc độ tăng trưởng nhóm ngành sản xuất - xây dựng những tháng đầu năm                  vẫn chậm so với mặt bằng chung. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất khuôn đúc                    tại Công ty TNHH Toho Việt Nam. 	Ảnh: Quỳnh Anh
Tốc độ tăng trưởng nhóm ngành sản xuất - xây dựng những tháng đầu năm vẫn chậm so với mặt bằng chung. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất khuôn đúc tại Công ty TNHH Toho Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Anh

Giá đầu vào từ nhập khẩu tính bằng VND cũng không tăng bao nhiêu với sự ổn định của tỷ giá VND/USD. Giá một số hàng hoá dịch vụ được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường tuy có làm tăng chi phí đầu vào nhưng trong điều kiện tổng cầu vẫn còn yếu sẽ làm cho tổng cầu đối với các hàng hoá, dịch vụ khác bị giảm.

Lãi suất vay ngân hàng tiếp tục giảm làm cho gánh nặng lãi suất vay mới không còn lớn như trước đây. Trong khi đó, về yếu tố cầu kéo, do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán tăng thấp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh bị sụt giảm; vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng thấp hơn tốc độ tăng chung; tỷ lệ vốn đầu tư/GDP 6 tháng chỉ đạt 30,1%. Về yếu tố tiền tệ - tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng mới đạt 3,52%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước và thấp hơn tốc độ tăng tiền gửi 5,26%.

Kịp thời khắc phục những điểm “nghẽn”

Cùng với việc yên tâm hơn trong kiềm chế lạm phát, nhưng không chủ quan thoả mãn, cũng đã đến lúc cần tập trung hơn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP. Khuyến cáo này xuất phát từ nhiều điểm. Rõ nhất là tăng trưởng theo mục tiêu năm nay cao hơn mức thực hiện của năm trước (5,8% so với 5,42%). Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 5,19%, tuy cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, nhưng chủ yếu do nhóm ngành dịch vụ, còn nhóm ngành công nghiệp - xây dựng vốn là động lực và đầu tàu tăng trưởng tốc độ tăng vẫn thấp hơn tốc độ tăng chung. Nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm khá nặng nề, với quy mô phải cao hơn 6 tháng đầu năm và phải có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước lên tới 6,27%. Trong khi đó tăng trưởng sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn lớn ở cả đầu vào và đầu ra.

Ở đầu vào, việc tiếp cận vốn hiện vẫn còn khó khăn do cả hai phía. Phía doanh nghiệp còn nợ xấu chưa trả được, sản phẩm tồn kho vẫn còn cao... Phía ngân hàng, "trông giỏ bỏ thóc", rất e ngại rủi ro mất vốn, không dám cho vay, thậm chí đẩy mạnh mua trái phiếu Chính phủ, mặc dù có tỷ lệ lãi suất thấp hơn lãi suất cho doanh nghiệp vay. Ở đầu ra, vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc chủ yếu do tổng cầu vẫn yếu. Quan hệ buôn bán với Trung Quốc về chính ngạch vẫn bình thường, chưa có ảnh hưởng lớn, nhưng buôn bán tiểu ngạch lại cần thận trọng khi nó tác động đến đầu ra của nhiều ngành, nhất là một số nông, thủy sản.

Từ những phân tích trên có thể thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm không chỉ cần có quyết tâm mà rất cần những giải pháp cụ thể, kịp thời khắc phục những điểm “nghẽn” của nền kinh tế.