Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến lượt Nhật Bản xem xét triển khai THAAD

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lập pháp Nhật Bản đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển năng lực để đáp trả chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên.

Chính phủ Nhật Bản từ trước đến nay vẫn tránh các động thái mua sắm vũ khí gây tranh cãi và tốn kém như tên lửa hành trình có khả năng tấn công các nước khác, thay vào đó, dựa vào đồng minh Mỹ để tìm sự bảo vệ trước các nguy cơ từ các quốc gia đối địch.
 3 tên lửa của Triều Tiên phóng đi đã rơi xuống biển Nhật Bản.
Tuy nhiên, đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, trong đó có việc phóng liên tiếp 4 tên lửa hôm 6/3, dấy lên cuộc tranh luận về một biện pháp quốc phòng hiệu quả hơn.
“Nếu các máy bay ném bom hoặc tàu chiến tấn công, chúng ta sẽ phải đáp trả”, ông Itsunori Onodera - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cho biết.
Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản luôn giới hạn năng lực quốc phòng dưới quy định của Hiến pháp thời hậu chiến. Tháng 9/2015, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh, cho phép Tokyo được sử dụng quyền tự vệ tập thể (quyền tổ chức chiến tranh và cùng nước khác tham gia chiến tranh) trong trường hợp cần thiết.
Các thành viên đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi xem xét mua sắm các vũ khí hạng nặng.
Ông Hiroshi Imazu - Chủ tịch Hội đồng Chính sách của LDP về an ninh cho biết, đã đến lúc Nhật Bản cần tăng cường năng lực. "Tôi không biết liệu đó có phải là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay thậm chí là máy bay ném bom F-35, nhưng nếu không có một sự ngăn cản nào, Bình Nhưỡng sẽ cho rằng chúng ta yếu kém”, ông Imazu nói.
Điều này dự báo, Tokyo có thể sẽ nhanh chóng đưa ra một chính sách quốc phòng khắt khe hơn. Theo một số nguồn tin, Nhật Bản đang nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo bằng các tên lửa trên biển tầm cao và chính xác hơn đặt trên các tàu khu trục Aegis ở biển Nhật Bản. Bên cạnh đó, từ tháng tới, Tokyo sẽ bắt đầu nâng cấp hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 trên mặt đất. Hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm cao (THAAD) cũng được xem xét.