Đến năm 2030, phát triển thuộc nhóm tỉnh khá cả nước
Chiều 6/7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, quy hoạch nhằm tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; định hướng không gian phát triển mới; khơi thông nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thu hút đầu tư.
Theo đó, quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkông (GMS).
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,2%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm khoảng 10,5%; phi nông nghiệp chiếm khoảng 84,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140-170 triệu đồng/năm.
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 434 nghìn tỉ đồng. Tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và ngày càng nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Để hiện thực hóa được các mục tiêu nói trên và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã đề ra 4 khâu đột phá. Cụ thể, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để tạo điều kiện phát huy các tiềm năng phát triển của tỉnh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung Bộ; đến năm 2030, hoàn thành thực hiện chuyển đổi số ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính và đô thị thông minh; chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với 4 khâu đột phá, Quy hoạch tỉnh cũng xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm để định hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn. Trong đó, tập trung xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, phát triển mạnh dịch vụ logistics tại khu vực Cam Lộ, Gio Linh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay; hình thành 12 trung tâm logistics cảng cạn (ICD) với diện tích 267 ha; từng bước xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực và thế giới…
Quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới; cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 776/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Để triển khai hoàn thành mục tiêu quy hoạch đã đặt ra, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh Quảng Trị cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra; quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KTXH theo hướng đồng bộ.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Về công nghiệp, phát triển năng lượng điện gió tại vùng ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng... Phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistic tại các nơi có tiềm năng; xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Trị đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư cho 8 dự án; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án; trao văn bản chấp thuận nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư cho 5 dự án.