Đến trường giúp trẻ “va chạm” để tương lai mạnh khỏe hơn!

Nhuận Phẩm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lứa tuổi học sinh từ mầm non đến tiểu học cần được đến trường để tương tác với thầy cô, với bạn bè, với xã hội,... từ đó có môi trường để “va chạm”, để vận động, mới là điều kiện tốt nhất phát triển kỹ năng và hoàn thiện nhân cách. 

Đây được xem là mục tiêu chính yếu của giáo dục phổ thông, trong đó mầm non và tiểu học là 2 cấp học then chốt của nhiệm vụ giáo dục kỹ năng và nhân cách cho trẻ bậc phổ thông.

Việc trẻ đến trường sẽ giảm áp lực cho phụ huynh và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển bản thân.
Việc trẻ đến trường sẽ giảm áp lực cho phụ huynh và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển bản thân.

Ở góc độ của phụ huynh, việc cấp mầm non và tiểu học đến trường là điều kiện tốt nhất giảm áp lực cũng như tạo môi trường, điều kiện phát triển kỹ năng và hoàn thiện nhân cách sống cho trẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Toản (ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, hiện đang là Giám đốc công ty Images Travel) cho rằng, phải cho trẻ đi học lại và tuyệt đối không hủy lớp học khi có F0. Bởi trẻ cần “va chạm” để tương lai mạnh khỏe hơn.

“Học ở trường ngoài kiến thức còn là tranh luận, còn quan hệ bạn bè, vận động, còn ánh nắng, còn thiên nhiên, không khí bên ngoài... Học ở nhà gây nên nhiều vấn đề tâm lý. Người Việt vốn đã ít đi bộ, lười vận động và lạm dụng công nghệ, nay còn học online nhiều quá thì trở nặng hơn các thói quen xấu này”, ông Toản cho hay.

Phụ huynh cần chia sẻ áp lực, rủi ro với nhà trường để thấy được sự đến trường là cần thiết.
Phụ huynh cần chia sẻ áp lực, rủi ro với nhà trường để thấy được sự đến trường là cần thiết.

Trong khi đó, bà Hồ Ngọc Giàu (ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cũng thấy sự cần thiết phải cho trẻ đến trường. Bởi hiện tại các công ty doanh nghiệp đã đi làm, cha mẹ cũng cần nơi trông trẻ an toàn để an tâm làm việc.

Bà Giàu nhấn mạnh: “Việc đi học theo tôi là cách "phòng, chống dịch chủ động", vì lịch trình, sinh hoạt của các con nhà trường có thể nắm được. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhà trường cần lưu ý biểu hiện và cả lịch trình của các cháu. Nếu cháu nào có yếu tố dịch tễ cần xử lý kịp thời để không ảnh hưởng rộng". Đây cũng là ý kiến mong muốn của nhiều phụ huynh học sinh.

 

Muốn thực hiện được sự cần thiết của việc đến trường cần sự chung tay của phụ huynh và xã hội.
Muốn thực hiện được sự cần thiết của việc đến trường cần sự chung tay của phụ huynh và xã hội.

Với các thầy, cô giáo luôn đồng tình việc trẻ đi học trở lại. Bởi theo các giáo viên, đây không những là mục tiêu và còn là trách nhiệm cao cả của nghề dạy học

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết sự cần thiết phải cho trẻ đến trường. Bởi theo bà Thu, giáo dục không chỉ dạy kiến thức, còn dạy cả nhân cách và kỹ năng sống.

Nếu chỉ dạy kiến thức thì dạy theo hình thức trực tuyến như hiện tại cũng thực hiện được. Còn dạy nhân cách, kỹ năng thì cần phải đến trường tương tác, "va chạm", vận động... Đồng thời, việc trẻ đến trường cũng tạo điều kiện để thầy cô giáo phát huy hết khả năng, đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực của học sinh và thực hiện sứ mệnh của mình tốt nhất.

Một học sinh tiểu học tranh thủ rửa tay khử khuẩn trước khi vào chỗ ngồi, ghi nhận ngày 14/2.(Ảnh: Chấn Nam)
Một học sinh tiểu học tranh thủ rửa tay khử khuẩn trước khi vào chỗ ngồi, ghi nhận ngày 14/2.(Ảnh: Chấn Nam)

Trên đó chỉ là cơ hội, tuy nhiên, việc đưa trẻ đến trường trở lại cũng đặt ra nhiều thách thức cho nhà trường trong việc đảm bảo an toàn và thích ứng trước dịch bệnh. Muốn thực hiện được điều này tốt nhất cha mẹ cần sẻ chia áp lực với nhà trường trước những rủi ro, thách thức khi cho trẻ đến trường. Song song với đó, nhà trường cũng cần lên phương án dạy học phù hợp khi nhỡ có ca F0. Đồng thời, cần xây dựng phương án xử lí F0, F1 phù hợp. Đây được xem là tín hiệu mừng, đó không chỉ là niềm hạnh phúc của thầy trò mà còn thể hiện sự ủng hộ của người dân, cha mẹ.

Trong văn bản ngày 22/2/2022 của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Văn bản này cũng nêu rõ, không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường học tập trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc tiền sử tiếp xúc với F0.

Học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Chí (quận 6, TP Hồ Chí Minh) nghiêm túc xếp hàng, thực hiện sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào lớp học. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Chí (quận 6, TP Hồ Chí Minh) nghiêm túc xếp hàng, thực hiện sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào lớp học. (Ảnh: Tiểu Thuý)

Văn bản này cũng lưu ý việc tổ chức học bán trú của học sinh cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD&ĐT, trong đó cần lưu ý đảm bảo theo nguyên tắc: hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp, ưu tiên tổ chức ăn ngủ, nghỉ ngay tại các lớp học, học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng các nhân, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.

Kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục của UBND TP Hồ Chí Minh:

- Nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện 2 F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.

- Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.

Quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp (F0) tại cơ sở giáo dục:

Bước 1: Thông báo ngay cho Trạm y tế cấp xã: Hiệu trưởng/Ban Chỉ đạo Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục thông báo ngay cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covi-19 để xử lý.

Bước 2: Xử lý trường hợp F0 

-Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đánh giá tình trạng sức khỏe và điều kiện cách ly tại nhà của F0, nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, tư vấn, hướng dẫn phụ huynh/người giám hộ đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định. 

-Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chuyển F0 cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Bước 3: Xác định, xử lý người tiếp xúc gần (F1) 

- Nhân viên phụ trách y tế trường học hoặc giáo viên của cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách và cung cấp thông tin dịch tễ cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế để xác định các trường hợp F1. 

- Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (mẫu gộp không quá 3 người) cho toàn bộ F1 học sinh và giáo viên của lớp có F0, nếu mẫu gộp dương tính thì tiến hành giải gộp ngay bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên...

Đối với trường hợp không phải F1: Được tiếp tục học tập trực tiếp, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày.