Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 29/5, tại đền Voi Phục (Hà Nội), quận Ba Đình tổ chức Lễ Đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.

Khuôn viên di tích đền Voi Phục.
Khuôn viên di tích đền Voi Phục.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tới dự buổi lễ, về phía T.Ư có: Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương.

Về phía Hà Nội có: Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng.

Đến dự buổi lễ còn có lãnh đạo quận Ba Đình, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL), Sở VH&TT Hà Nội, các nhà khoa học và đông đảo Nhân dân Thủ đô.

Trống hội chào mừng.
Trống hội chào mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết: “Quận Ba Đình có 74 di tích lịch sử văn hoá. Trong đó, Trấn Tây (đền Voi Phục) và Trấn Bắc (Đền Quán Thánh) là một trong những biểu tượng của Thăng Long Hà Nội. Trấn Tây thờ Đức Thượng đẳng Phúc thần Linh Lang Đại Vương - Vị thần đã có công giúp Vua Lý Thánh Tông đánh giặc Vĩnh Trinh (giặc Tống). Đền Quán Thánh là nơi thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Bắc thành Thăng Long xưa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.

Trải qua gần 20 năm liên tục, được gìn giữ, tôn tạo bằng nguồn lực xã hội hoá, hàng chục di tích lịch sử của quận, trong đó có 2 đền Voi Phục và Quán Thánh đã được hoàn thành với quy mô như ngày nay với tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016 càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của di tích đền Quán Thánh. Và hôm nay, chúng ta vui mừng đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Voi Phục và đền Quán Thánh”.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nhấn mạnh: Đảng bộ và chính quyền Nhân dân quận Ba Đình sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích nói chung và 2 di tích quốc gia đặc biệt nói riêng. Tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của TP xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu.

Tại buổi lễ, chúc mừng đền Quán Thánh, đền Voi Phục được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chia sẻ: “Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ linh khí của đất trời, nơi lắng hồn núi sông; trải qua bao thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn còn vẹn nguyên vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của Kinh đô Thăng Long hơn ngàn năm tuổi. Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị của Việt Nam mà còn là nơi giao thoa, hội nhập của biết bao nền văn hóa khác, nơi in dấu biết bao công trình văn hóa lịch sử, lữu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Ba Đình.
Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Ba Đình.

Trong đó, tiêu biểu là “Thăng Long Tứ trấn”, gắn với việc ra đời của Kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010. Vua Lý Thái Tổ cho xây công trình “Thăng Long Tứ trấn” gồm 4 ngôi Đền, là nơi thờ bốn vị Thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long, để ngày đêm bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long Đông Đô xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình”.

Nhân dân Thủ đô đến Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.
Nhân dân Thủ đô đến Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước luôn coi “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp, trong đó cần “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”.

Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc Gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.
Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc Gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Quán Thánh, đền Voi Phục.

Với tinh thần đó, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị những di tích lịch sử trên địa bàn Thủ đô nói chung, các di tích lịch sử trên địa bàn quận Ba Đình nói riêng; trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đề nghị quận Ba Đình 3 nội dung gồm: Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt; tập trung triển khai hiệu quả  Chương trình số 06/Ctr-TU Thành ủy khóa 17 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 09 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng tầm nhìn đến năm 2045”; các Nghị quyết của HĐND TP, Kế hoạch của UBND TP về lĩnh vực phát triển văn hóa. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích có tính thường xuyên, lâu dài, nhằm tạo bước đột phá, lưu lại dấu ấn đậm nét đối với Nhân dân Thủ đô, với du khách trong nước và Quốc tế.

Đền Voi Phục.
Đền Voi Phục.

Rà soát bổ sung nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích là công trình phục vụ Nhân dân, tuyệt đối không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ; Ban quản lý Di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi “ Thăng Long Tứ Trấn”, địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Một góc bên trong đền Voi Phục.
Một góc bên trong đền Voi Phục.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành TP Hà Nội; lãnh đạo chỉ đạo UBND các phường tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong di tích, ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật.

Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến phát biểu.
Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến phát biểu.

Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội,  Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho hay: “Quận Ba Đình xin nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương cụ thể hoá, tích cực thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP để phát huy hơn nữa giá trị của 2 di tích Quốc gia đặc biệt. Việc công nhận 2 di tích Quốc gia đặc biệt sẽ là điều kiện thuận lợi để Quận Ba Đình phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế, văn hoá, xã hội; đặc biệt theo các Nghị quyết của T.Ư và Thành uỷ Hà Nội.

Khuôn viên đền Voi Phục.
Khuôn viên đền Voi Phục.

Quận Ba Đình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hơn nữa giá trị các di tích quốc gia đặc biệt đến bạn bè, Nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế; khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích đi đôi với bảo tồn, đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; hoàn thiện quy chế quản lý, cụ thể hoá kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị đền Voi Phục và đền Quán Thánh, tương xứng với giá trị di tích Quốc gia đặc biệt để luôn là nơi gắn kết cộng đồng, bảo tồn giao lưu văn hoá; đảm bảo cho khu di tích văn minh, xứng đáng là nơi lưu giữ gia trị văn hoá nghìn năm của đất Kinh thành, của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, là điểm đến ấn tượng của Ba Đình và Thủ đô".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần