Năm “dẹp loạn” lữ hành trên toàn quốc này nhằm giải quyết triệt để những tồn tại dai dẳng như ung nhọt của ngành du lịch nhiều năm nay.
Duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh
Các nhà quản lý đều thừa nhận, lâu nay, hoạt động kinh doanh lữ hành vẫn tồn tại kiểu làm ăn “chặt chém”, lừa đảo khách. Việc để người nước ngoài núp bóng hoạt động phi pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, bán hàng cho khách bằng ngoại tệ, kinh doanh tour khép kín, bán hàng kém chất lượng, không niêm yết giá… đang gây thất thu thuế của Nhà nước. Đồng thời, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN lữ hành, làm ăn chụp giật đang khiến hình ảnh du lịch Việt trở nên xấu xí.
Bởi vậy Tổng cục Du lịch đã phát động chiến dịch Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành đảm bảo “Chuyên nghiệp, chất lượng, uy tín”; hướng dẫn du lịch “Chuyên nghiệp, thân thiện, yêu nghề” tạo bước đột phá trong lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương cũng như của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan liên quan, cộng đồng DN, các hiệp hội nghề, cộng đồng dân cư địa phương trong khai thác, quản lý điểm đến du lịch, nâng cao chất lượng điểm đến. “Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành du lịch từ T.Ư đến địa phương, chủ động trong các chương trình, hoạt động. Từ đó, tạo bước chuyển trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề, góp phần duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh”, ông Chung nhấn mạnh.
Hà Nội nghiêm khắc với vi phạm
Để môi trường kinh doanh du lịch tiếp tục được đảm bảo, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu, đề ra giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thẻ giả của hướng dẫn viên hiện nay. Đồng thời, bổ sung nguồn hướng dẫn viên, hoặc thuyết minh viên thông qua việc cho phép các cán bộ, giáo viên các cơ sở đào tạo có nghiệp vụ hướng dẫn để tham gia hướng dẫn khách du lịch đối với một số thị trường khách thiếu hướng dẫn viên. Sở cũng đề nghị Tổng cục tham mưu Bộ VHTT&DL có cơ chế đào tạo và đặc cách cấp thẻ hướng dẫn viên cho hướng dẫn viên quốc tế ngoại ngữ hiếm; ban hành các yêu cầu, điều kiện đối với thuyết minh viên. |
Trong đợt đầu tiên kiểm tra hoạt động của DN lữ hành, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên trên địa bàn Hà Nội mới đây, Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã kiểm tra 10 DN kinh doanh lữ hành quốc tế. Trong đó, một DN đã bị đoàn kiểm tra kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép kinh doanh.
Nguyên Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Sở Du lịch Hà Nội luôn tăng cường thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động lữ hành và hướng dẫn DN thực hiện đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật hiện hành với tinh thần vận động. DN có thiếu sót thì cho cơ hội khắc phục, nhưng nếu vẫn tái phạm hoặc cố tình vi phạm thì kiên quyết xóa sổ.
Sở Du lịch Hà Nội cũng xác định phải quản lý chặt cả các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là những DN ở khu vực Phố Cổ... để đảm bảo duy trì môi trường kinh doanh lữ hành. Nhất định không để một số trường hợp nhỏ lẻ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lữ hành của Hà Nội. Sở cũng siết chặt quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch với tinh thần “phòng hơn chống”; thường phối hợp với các bên liên quan thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề, nhằm tìm ra khâu yếu nhất để khắc phục.
Vì thế, lượng khách đến Thủ đô duy trì tăng trưởng tốt. Cụ thể, tháng 5/2017, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 1,6 triệu lượt, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 294 ngàn lượt, tăng 10% so với cùng kỳ (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 210 ngàn lượt, tăng 10% so với cùng kỳ). Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội tăng đột biến, trong đó, số khách Trung Quốc có lưu trú tại Hà Nội tăng hơn 60% so với năm 2015 và cùng kỳ năm 2016, nhưng không xảy ra vấn đề nổi cộm. Đó là bởi, Sở luôn chủ động chào đón và chăm sóc đối tượng khách này chu đáo, từ khi vào đến lúc ra về. Nhìn chung, vấn đề môi trường, tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch ở Hà Nội về cơ bản đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng làm ăn thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận người làm dịch vụ, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Thủ đô cần khắc phục.
Mô hình hay nên nhân rộng Thưa ông, điều quan trọng nhất mà chiến dịch Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành hướng đến là gì? - Trong chiến dịch Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành sẽ không có vùng cấm, không ngoại lệ và không nhân nhượng. Những trường hợp vi phạm pháp luật trong kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng quan trọng là sau chiến dịch phải tạo được bước chuyển căn bản trong nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ. Đồng thời, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề… Từ đó, góp phần duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh. Qua đợt kiểm tra đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, ông đánh giá các DN chấp hành quy định của pháp luật thế nào? - Sau khi kiểm tra 10 DN kinh doanh lữ hành quốc tế trên địa bàn Hà Nội, đoàn kiểm tra nhận thấy, việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành của các DN cơ bản là nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn một số sơ suất trong quản lý đoàn khách cần được chấn chỉnh. Về vấn đề này, chúng tôi đã có biên bản nhắc nhở và yêu cầu các DN duy trì tốt những điều kiện kinh doanh lữ hành. Chỉ duy nhất Công ty CP Du lịch và phòng vé Hà Đô (địa điểm kinh doanh tại 244 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), đoàn kiểm tra thống nhất kiến nghị Tổng cục trưởng TCDL thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do không đủ điều kiện. Mặc dù có tới hơn 800 DN kinh doanh lữ hành quốc tế, thời gian gần đây, lượng khách ở nhiều thị trường ngoại quốc đến Thủ đô tăng đột biến nhưng Hà Nội chưa xảy ra vụ việc nào nổi cộm, thưa ông? - Qua đợt thanh, kiểm tra tại Thủ đô vừa qua, chúng tôi nhận thấy việc triển khai các hoạt động trên địa bàn khá tốt. Từ khi Sở Du lịch Hà Nội thành lập đến nay, công tác quản lý địa bàn, từ phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, đảm bảo công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn, công tác thanh, kiểm tra đều có đầu tư tốt và ngày càng chuyên nghiệp. Thứ nhất, sự phối hợp giữa Sở Du lịch Hà Nội và các cơ quan liên quan như địa phương, công an, quản lý trật tự đô thị… rất chặt chẽ, có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Trong bối cảnh lực lượng cán bộ, thanh tra ngành rất mỏng, thì đây chính là khâu then chốt để đảm bảo duy trì môi trường hoạt động, kinh doanh du lịch lành mạnh. Đặc biệt tôi đánh giá cao việc Sở cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn theo dõi, nắm bắt tình hình và cùng phối hợp với các địa phương, quận huyện xử lý các nguy cơ, mầm mống và vụ việc. Đây là mô hình hay, đáng để nhân rộng trong cả nước. Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 800 DN kinh doanh lữ hành quốc tế nên tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội triển khai chiến dịch này. Tuy nhiên, lực lượng thanh, kiểm tra của Tổng cục Du lịch cũng như các địa phương còn mỏng nên việc phối hợp giữa các cấp, ngành và cơ quan quản lý nhà nước với DN rất cần thiết. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực thi pháp luật và thu hút khách hàng. Để “dẹp loạn” lữ hành nói riêng và đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch nói chung, theo ông, ngành cần phải làm gì? - Về vấn đề này, trong Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/12/2014 đã nêu rất rõ là “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ T.Ư đến địa phương”. Điều quan trọng nhất là khách càng đông thì phải thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa các bên liên quan thật chặt chẽ. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu địa phương phải được chú trọng. Chẳng hạn, trước đây, Sầm Sơn (Thanh Hóa) “khét tiếng” với nạn chặt chém; nhưng khi người đứng đầu địa phương kiên quyết áp dụng mức phạt nặng đối với các hành vi chèo kéo, chặt chém du khách, đến nay, “tiếng xấu” gần như đã được xóa nhòa. Như vậy, chỉ khi người đứng đầu và chính quyền địa phương vào cuộc mới có thể “dẹp loạn” chứ bao nhiêu thanh tra Tổng cục hay Sở cũng không thể làm được. Chính quyền địa phương phải là đơn vị đầu tiên xử lý và chịu trách nhiệm trước những vụ việc, sự cố, sau đó mới đến cấp huyện, tỉnh, TP; những vấn đề quá vĩ mô mới cần T.Ư giải quyết. Chỉ khi phân cấp trách nhiệm rõ ràng và được thực hiện nghiêm túc thì môi trường kinh doanh, hoạt động du lịch mới có thể ổn định. Xin cảm ơn ông! Hồng Hạnh thực hiện |