ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội: 96% sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/1, tại buổi họp báo kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Dệt May Hà Nội và 2 năm thực hiện tự chủ, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Ngay sau ngày thi tốt nghiệp, có từ 90 đến 92% sinh viên tìm được việc làm.

Để làm rõ hơn thông tin này, TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho hay, hàng năm cứ vào tháng 6, nhà trường tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên với sự tham gia của rất nhiều DN trong ngành dệt, may tuyển dụng khoảng 3.500 chỉ tiêu. Vì thế, 3 tháng sau khi thi tốt nghiệp xong, các em về nhận bằng, tỉ lệ có việc làm lên tới 96%. 4% còn lại chưa có nhu cầu đi làm ngay vì muốn học tiếp ở trình độ cao hơn. 
TS Hoàng Xuân Hiệp thông tin tại buổi họp báo: Nhà trường thực hiện từ chủ từ năm 2015, chỉ thu học phí bằng 50 - 60% mức quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
“Sinh viên ngành dệt may dễ xin việc vì sự phát triển của các DN kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhiều. Từ năm 2000 cả nước có 700 DN dệt may thì năm 2014 lên tới 8.200 DN (mỗi năm tăng thêm 550 DN). Cũng từ năm 2000 ngành dệt may có 236.000 lao động, thì đến năm 2015 tăng lên tới 1.470.000. Như vậy, mỗi năm các DN ngành dệt may cần thêm từ 74.000 – 76.000 lao động, chưa nói đến số nhân lực biến động” – ông Hiệp phân tích.

Khi được hỏi về phản hồi của DN khi nhận sản phẩm đào tạo của nhà trường đào, ông Hiệp nói: “Đa số cán bộ kỹ thuật của các DN dệt may lớn như Tổng Công ty May 10, Công ty CP May Đức Giang, Công ty CP X20, Công ty 19-5 đều là cựu sinh viên nhà trường. Điều này cho thấy tỉ lệ cao sinh viên của trường làm ở những vị trí cán bộ kỹ thuật hay lãnh đạo của các nhà máy; là thể hiện sự tin tưởng của DN với chất lượng đào tạo của trường”.

Để có kết quả này, nhiều năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện gắn sản xuất với học tập và nhận các sản phẩm từ thị trường đưa vào học tập. Vật tư cho thực hành, thực tập là yếu tố có tác động rất lớn đến chi phí đào tạo. Do vậy nhà trường nhận sản phẩm từ thị trường, tự thiết kế sản phẩm phù hợp với thực tiễn thị trường hoặc lấy sản phẩm từ nhà máy của trường đưa vào cho sinh viên học tập phù hợp với chương trình đào tạo. Với cách làm này, nhà trường giải quyết được 3 vấn đề.

Thứ nhất, sinh viên được thực hành bằng sản phẩm nhận từ thị trường. Tất nhiên, khi làm sai, hỏng đều phải bồi thường. Vì thế, ý thức, tác phong công nghiệp cũng như kỹ năng, kỹ xảo của sinh viên được hình thành nhanh chóng và bền vững ngay từ trong quá trình đào tạo.

Thứ nữa, nhà trường không phải chi phí cho việc mua vật tư để sinh viên thực hành, tiến kiệm chi phí đào tạo. Cũng như mức học phí sinh viên được giảm một phần, nhà trường thu ở mức hợp lý tạo điều kiện để trường nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sinh viên thực hành, thực tập nhưng được trả lương theo sản phẩm. Trong giai đoạn thực tập, thu nhập của sinh viên thường đạt khoảng 1 – 3 triệu đồng/sinh viên/tháng, giúp trang trải phần nào chi phí học tập, qua đó hình thành ý thức yêu lao động trong các em. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần