Qua thăm các phòng học và xưởng thực hành phục vụ cho hoạt động đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận thấy ĐH Công nghiệp Hà Nội là cơ sở đào tạo có bề dày lịch sử, có truyền thống đào tạo nghiên cứu khoa học (NCKH) và truyền thống cách mạng. Nhà trường đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ và đang có bước chuyển mạnh trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
“Chương trình đào tạo của trường đã có những thay đổi, cập nhật đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phương pháp dạy học có nhiều đổi mới, công tác NCKH có nhiều kết quả đáng khích lệ, được thừa nhận”- Bộ trưởng Luận nhận xét.
Ảnh: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm xưởng thực hành của ĐH Công nghiệp Hà Nội.
|
Khi Trung ương đã thông qua Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hy vọng trong chuyển động chung của toàn ngành, ĐH Công nghiệp Hà Nội với vai trò là cơ sở đào tạo lớn cán bộ công nhân kỹ thuật cho các ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Và, từng bước cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.
NGƯT.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 116 năm qua ĐH Công nghiệp Hà Nội đã khẳng định được thương hiệu là trường ĐH hàng đầu của Việt Nam đào tạo theo hướng công nghệ thực hành. Trong 60 năm trở lại đây, trường đào tạo được 200 ngàn công nhân kỹ thuật, kỹ sư thực hành, giáo viên dạy nghề cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và thị trường lao động trong khu vực và thế giới. Trường cũng có gần 8.000 SV đang làm việc trong các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay trường có quy mô đào tạo 40.000 HSSV ở 5 bậc học (cao học, ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề).
TS Trần Đức Quý thông tin, năm học 2014-2015 nhà trường sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác phát triển. Trong đó, tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của các nhà khoa học tham gia thực hiện các thoả thuận hợp tác với đối tác trong và ngoài nước; chú trọng phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành và cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị ĐH tiên tiến. Đồng thời ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên.