ĐH Xây dựng tích cực tham gia giám sát những vấn đề bức thiết Thủ đô

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Mong Trường ĐH Xây dựng và các nhà khoa học tích cực cùng MTTQ TP tư vấn, giám sát, phản biện các chương trình lớn của TP, đặc biệt trong những lĩnh vực thế mạnh của trường và bức thiết của Thủ đô như quy hoạch, hạ tầng…"-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Anh Tuấn nói.

Sáng nay, 2/12,  Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chủ trì buổi giám sát của Đoàn giám sát TP tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và Luật KH&CN năm 2022.

Lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng cho hay, thành lập năm 1966, tiền thân là Khoa Xây dựng-Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trải qua nhiều khó khăn, với kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo, hiện nhà trường đã trở thành một trung tâm hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng - kiến trúc, quy hoạch - kinh tế, cơ khí, CNTT.

Với đội ngũ đông đảo cán bộ, giảng viên đa ngành có trình độ cao về chuyên môn, vững vàng chính trị, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đến nay, Trường đã cung cấp cho đất nước trên 80.000 kỹ sư, kiến trúc sư; 7.917 thạc sĩ, 247 tiến sĩ thuộc nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng, có mặt trên mọi miền đất nước. Ngoài lĩnh vực đào tạo, Trường còn là một trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN, có nhiều đóng góp quan trọng cho thực tiễn sản xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chủ trì giám sát tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chủ trì giám sát tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Đáng chú ý, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt những nội dung liên quan trong Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) về phát triển KH&CN, Luật KHCN, Luật bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục ĐH và các Nghị định liên quan, những năm qua tại Trường được thực hiện với 3 nhóm vấn đề chính: Công tác đào tạo gắn với thị trường lao động, nghiên cứu ứng dụng KHCN, hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH với DN, tổ chức KH&CN, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm khu vực và quốc tế (hiện nhà trường có 5 nhóm nghiên cứu mạnh và 25 nhóm nghiên cứu tập trung vào các sản phẩm công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ và sản phẩm ứng dụng phục vụ phát triển KT-XH của đất nước); đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục ĐH theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phân loại và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH. Dự kiến từ đầu năm 2023, Trường sẽ đạt các yêu cầu đại học định hướng nghiên cứu về mảng KHCN.

Giai đoạn 2016-2022, nhà trường đã và đang thực hiện 30 đề tài cấp quốc gia trong đó 3 đề tài nghị định thư với Đài Loan, Cộng hòa LB Đức và Hàn Quốc; 47 dự án hợp tác quốc tế, cơ bản hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu công tác NCKH, chuyển giao công nghệ của xã hội và phát triển KH&CN của nhà trường. Bên cạnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, số lượng nhiệm vụ KH&CN cấp bộ cũng phát triển mạnh về lượng, chất. Giai đoạn 2016-2022, nhà trường đã và đang chủ trì thực hiện 227 nhiệm vụ KHCN cấp bộ và tương đương. Đề tài KH&CN cấp tỉnh, TP giai đoạn 2016-2022 có 14 đề tài, trong đó chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ của TP Hà Nội. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này được các địa phương đánh giá cao, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của các địa phương. 

Song song những sản phẩm NCKH được ứng dụng vào thực tế, các nhiệm vụ KHCN do nhà trường chủ trì thời gian qua cũng đã công bố và xuất bản 32 tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn ngành, đóng góp vào phát triển ngành xây dựng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhà trường cũng kiến nghị TP Hà Nội quan tâm hơn tới phát triển KH&CN của các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn thông qua cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản, tiềm năng. Trường cũng kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội có cơ chế phối hợp giám sát và phản biện xã hội trong các lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát thống nhất đánh giá, tiềm năng và dư địa phát triển KHCN của Trường ĐH Xây dựng là rất lớn. Do vậy, Trường cần bám sát các chương trình kế hoạch của TP và nhu cầu của sở, ngành, địa phương, qua đó tăng cường đặt hàng, giải quyết các vấn đề về môi trường, đô thị, vật liệu mới... Cùng đó, cần tăng cường kết nối với các nhà khoa học và DN trong việc ươm tạo KHCN; chủ động hơn trong tiếp nhận nắm bắt thông tin các chương trình, kế hoạch của TP như Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô; 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII... để chủ động xây dựng các nhiệm vụ KHCN phù hợp thực tiễn.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trao đổi với Đoàn giám sát
Đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trao đổi với Đoàn giám sát

Kết luận giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường ĐH Xây dựng Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI), Luật KH&CN năm 2013 cũng kết quả mà nhà trường đạt được, đặc biệt ở việc tự chủ trong nghiên cứu khoa học, đào tạo được gắn với thị trường và thực tiễn; đẩy mạnh hợp tác khoa học với các bộ, ngành, viện nghiên cứu; triển khai các quy chế nội bộ, tạo điều kiện khuyến khích giảng viên, học sinh nghiên cứu khoa học…
Nhấn mạnh TP đang đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, trong đó có việc nghiên cứu để giải quyết các vấn đề cấp thiết với quá trình phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị: Nhà trường tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KHCN đối với phát triển đất nước, Thủ đô; chủ động bám sát chương trình lớn của TP, phát huy thế mạnh, triển khai chương trình KHCN trong sinh viên gắn với phát triển Thủ đô.
"Mong nhà trường và các nhà khoa học tích cực tham gia cùng MTTQ TP tư vấn, giám sát, phản biện các chương trình lớn của TP, đặc biệt trong nhưng lĩnh vực là thế mạnh của nhà trường và đang là bức thiết của Thủ đô như quy hoạch, hạ tầng, giao thông, môi trường…"- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP nói.