KTĐT - Mỗi năm một lần, sau 20 tháng Chạp, chợ đồ cổ trên phố Hàng Mã (Hà Nội) mới bắt đầu mở và chỉ họp đến khoảng 29 Tết. Không dễ để mua một món cổ vật tại đây vì giá thường khá đắt.
Anh Ngọc Anh, nhà ở phố Hàng Rươi, có thâm niên bán đồ cổ tại phố này cho biết, thường thì những người có niềm đam mê với cổ vật, và phải có tiền, "chịu chơi" mới tìm đến phố này dịp cuối năm. Nguyên nhân, giá những món đồ này so với đồ thường, đều đắt hơn rất nhiều.
Mười chiếc bát ăn cơm bình thường men sáng, hoa văn đẹp, có khi giá chỉ vài chục, hơn trăm nghìn đồng. Nhưng tại đây, một chiếc bát sứ men lam cổ hay bát ngọc nhìn cũ, bẩn, bám đầy bụi giá đã vài trăm nghìn đồng, thậm chí lên tới hàng triệu đồng và chỉ được bày bán ngay trên vỉa hè.
Ngọc Anh khoe, anh vừa bán được ba chiếc bát ngọc màu huyết dụ cho một ông khách "sộp" với giá một triệu đồng, nhưng vẫn lo bị hớ. "Bán đồ này chẳng biết thế nào là được giá hay không. Có khi mới bán xong thì lại có người đến trả giá cao gấp rưỡi", anh phân trần.
Có nhiều tiêu chí để định giá các loại cổ vật bày bán tại đây, nhưng chủ yếu người bán vẫn căn cứ vào nguồn gốc, xuất xứ, niên đại cùng độ hiếm, độ “độc” của món đồ và nhìn mặt khách để "hét" giá. "Nếu là khách lạ hoặc lần đầu đến mua đồ cổ, chắc chắn giá sẽ bị báo cao hơn so với những người mua quen", chủ cửa hàng đồ cổ tên Phong tiết lộ.
Tại quầy nhà anh Phong, một chiếc điếu bát hình bí ngô hoa văn cầu kỳ, đẹp, không rõ xuất xứ, niên đại có giá xấp xỉ một triệu đồng. Trong khi, chiếc điếu 3 vòi được anh nhập về từ Trung Quốc dùng để trang trí góc phòng lại được báo giá 7 triệu đồng.
Một người chuyên bán các loại bát, đĩa, vò, thạp, sứ… cổ tại chợ này cho hay, cách đây hai ngày, có ông khách đến hỏi mua một cặp bát rồng, nhưng nhà anh chỉ còn một chiếc. Không giấu nổi sự tiếc nuối, anh này cho hay, chẳng mấy khi gặp được khách "giá nào cũng mua miễn đủ một cặp" như thế này. "Chán thật, mình vừa bán một chiếc cho một cậu thanh niên, giá chỉ 400.000 đồng. Giữ lại thì giờ lại kiếm khá", anh than thở.
Một đại gia chơi đồ cổ có tiếng tại Hà Nội tiết lộ, kinh nghiệm mua đồ cổ tại phố này những ngày cận Tết, ngoài am hiểu, thì còn phải biết "giả vờ". Ông kể, cách đây khoảng 5 năm, khi người Hà Nội rộ mốt dùng cổ vật trang trí trong nhà, ông cũng mon men ra chợ này sắm chiếc độc bình men rạn, hoa văn rồng cổ màu lam đậm.
Được người bán quảng cáo là bình cổ trăm phần trăm, ông bỏ gần một triệu đồng mua về. Mãi sau này, có dịp về thăm làng gốm Bát Tràng ở ngoại thành, đại gia này mới phát hiện loại độc bình men rạn giả cổ giống hệt chiếc ông đang trưng ở nhà có giá bán tại gốc chỉ hơn 100.000 đồng.
Không phải tất cả các món hàng bán tại chợ này đều là đồ cổ. Vẫn có những món đồ hiện đại dùng làm vật trang trí phong thủy như thiềm từ (cóc vàng), cá trê ngậm tiền, thậm chí cả tượng mèo vàng nằm trên đống tiền phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Tân Mão cũng được bày bán.
Giá các mặt hàng hiện đại thường rẻ hơn so với cổ vật thật sự. Cóc vàng các cỡ có giá dao động từ 400.000 đồng đến khoảng một triệu đồng một con, cá trê ngậm xâu tiền cũng dao động từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng một con.
Bán hàng xôm tụ, nhưng những chủ sạp đồ cổ tại đây thường dè dặt khi giao số điện thoại cá nhân của mình cho khách. Nguyên nhân, theo tiết lộ của anh Ngọc Anh, là không phải ai cũng có khả năng bỏ tiền ra mua mặt hàng này. "Nếu khách thật sự 'kết', chúng tôi mới giao số điện thoại, mời khách đến nhà để ngắm đồ và quyết định. Còn với khách vãng lai, chỉ vào xem và hỏi giá, thì chắc chắn không mua được hàng khi nghe phát giá", anh khẳng định.