"Đi đêm lắm, có lần gặp ma"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một hôm, sau khi ký một hợp đồng lớn, tôi được đối tác mời đi nhà hàng rồi tới điểm “vật lý trị liệu”.

KTĐT - Một hôm, sau khi ký một hợp đồng lớn, tôi được đối tác mời đi nhà hàng rồi tới điểm “vật lý trị liệu”. Được các em nhân viên trẻ đẹp phục vụ hết sức “tận tình”, lại thêm đang lâng lâng vì bia rượu, tôi đã không thể cưỡng lại “công đoạn Z”.

Thắng, bạn tôi, là một chàng trai khỏe mạnh 30 tuổi. Chúng tôi chơi với nhau khá thân, có chuyện gì hắn cũng tâm sự với tôi. 
 
Vậy mà, dạo này Thắng có vẻ buồn bã, ít nói, dáng điệu ủ rũ, mệt mỏi như sắp cạn hơi. Gặng hỏi mãi, Thắng mới nói: “Vợ ốm!”. Tôi lo lắng: “Có nặng lắm không?”. Hắn lắc đầu: “Không, khỏi rồi!”. Tôi phì cười: “Thế tại sao cậu cứ thẫn thờ như “mất sổ gạo” vậy?”. Thắng thở dài. Lưỡng lự một lúc rồi kể…

“Cậu biết đấy, Hân, vợ tôi là cô gái dịu dàng, xinh đẹp. Gia đình tôi đang sống hạnh phúc thì bất ngờ cô ấy đổ bệnh. Lúc đầu chỉ là biểu hiện cảm cúm. Nhưng dù đã đi bác sĩ, uống đủ loại thuốc, bệnh tình của nàng vẫn không đỡ, lúc nào cũng kêu mệt, đau đầu, nhức mỏi…

Cuối cùng, chúng tôi đến một lương y nổi tiếng và nàng được chẩn đoán bị bệnh nội y, kiểu như lao lực. Tôi không hiểu vì sao nàng bị lao lực bởi nàng không phải làm gì nặng nhọc. Việc nhà và chăm sóc con cái cũng có người giúp việc rồi.

Sau khi uống hàng chục thang thuốc, sức khỏe nàng dần phục hồi. Nước da lại trắng hồng, môi đỏ, mắt long lanh… Trông nàng thật lôi cuốn và gợi cảm. Thật kỳ lạ là dù có vẻ khỏe mạnh, nhưng khả năng làm vợ của nàng dường như không còn. Những khi gần gũi, nàng lại than mệt, tức ngực, khó thở... Đôi khi, vì cố chiều tôi, nàng suýt ngất xỉu, khiến tôi vô cùng hoảng hốt. Đi khám bệnh, bác sĩ nói tim nàng có vấn đề và khuyên tôi, nếu yêu vợ thì hãy “tha” cho nàng một thời gian. Có thể sau khi nghỉ ngơi và chữa trị, nàng sẽ phục hồi hoàn toàn.

Nghe lời, tôi cố gắng “cách ly” vợ. Song, đến lượt sức khỏe của tôi có vấn đề. Người tôi luôn bải hoải, chân tay rã rời, làm việc không tập trung, khi quên khi nhớ. Lương y nói tôi bị chứng “âm dương không cân bằng”. Theo lời khuyên, buổi sáng, tôi lao vào tập các bài thể dục đến khi mồ hôi ra như tắm. Chiều, tôi “quần” trên sân tennis đến chập choạng mới về. Ngày nghỉ, tôi tranh thủ đi bơi. Buổi tối, tôi cắm đầu vào máy tính đến díp mắt… Tình hình sức khỏe của tôi không mấy cải thiện. Không ít lần, nửa đêm tôi phải trở dậy, vào phòng tắm xả nước lạnh hoặc mở cửa ra ngoài, đi loanh quanh cho đỡ bức bối…

Một hôm, sau khi ký một hợp đồng lớn, tôi được đối tác mời đi nhà hàng rồi tới điểm “vật lý trị liệu”. Được các em nhân viên trẻ đẹp phục vụ hết sức “tận tình”, lại thêm đang lâng lâng vì bia rượu, tôi đã không thể cưỡng lại “công đoạn Z”.

Về nhà, tôi rất ân hận và tự nhủ sẽ không bao giờ mắc lỗi như thế nữa. Nhưng thật lạ là những ngày sau đó, sức khỏe của tôi cải thiện rõ rệt. Tôi cảm thấy nhanh nhẹn và phấn chấn. Công việc giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ được vài ngày, cơ thể tôi lại mệt mỏi, khó chịu.

Tôi hiểu ra cách để trị căn bệnh của tôi, nhưng tôi rất yêu vợ nên không muốn phản bội nàng. Mặt khác, tôi cũng sợ lây bệnh “xã hội”. Nhưng, nếu không được “chữa trị”, tôi luôn trong trạng thái không cân bằng. Vậy là thỉnh thoảng tôi đành phải trốn vợ đi “đánh lén”. Tất nhiên, tôi luôn thủ sẵn trong người “vũ khí phòng vệ”. Mỗi khi ở nhà, tôi cũng luôn chăm sóc, chiều chuộng vợ để bù đắp cho nàng.

Đi đêm lắm ắt có ngày gặp ma. Dù mỗi khi “ăn vụng” tôi đều cố gắng “chùi mép” cẩn thận. Nhưng có kỹ mấy thì đôi khi vẫn không thể xóa hết các “chứng tích”, kiểu như một vết son môi, mùi nước hoa lạ, những sợi tóc dài… Nàng không gào thét, khóc lóc mà chỉ nhìn tôi buồn bã: “Anh đã phản bội em và con, đúng không?”. Tôi không thể chối cãi, chỉ nói rằng, tôi vẫn rất yêu vợ con. Nhưng không có điều đó, sức khỏe tôi có vấn đề. Vợ tôi nói, hãy để nàng suy nghĩ. Hai ngày sau, nàng đưa ra phán quyết: “Mặc dù có phần lỗi của em, nhưng em không chịu được cảm giác chồng mình ôm ấp người khác. Vì vậy, tạm thời chúng ta hãy ly thân. Nếu sau một thời gian, em không thể phục hồi sức khỏe, chúng ta sẽ ly dị. Ngược lại, nếu anh còn muốn sống với hai mẹ con, hãy chấm dứt việc “ăn vụng”. Bằng cách nào tùy anh”…

Im lặng một lúc, Thắng buồn bã kết luận: “Tôi không muốn gia đình tan nát. Con lớn lên không có cha. Với lại, tôi vẫn rất yêu vợ. Nhưng mà… tôi không biết mình phải chịu đựng cảnh “cám treo heo nhịn” như thế này đến bao giờ? Ông có cách gì giúp tôi không?”.