Không vui sao được, khi bước “chạy đà” vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam đã khởi sắc. Tiếp đến là xuất khẩu gạo sau 2 năm “giậm chân tại chỗ”, thì nay đã tăng trở lại cả về lượng và vượt xa giá cao trung bình của đối thủ Thái Lan. Các nông sản chủ lực khác như hạt điều, sắn, thủy sản, rau củ quả, gỗ và sản phẩm gỗ… đều tăng từ 5,08 - 30,9% so với cùng kỳ 2017. Vốn sẵn có tâm lý “vạn sự khởi đầu năm”, nên không ít ý kiến cho rằng, năm 2018 này, đích được “chốt” xuất khẩu nông sản đạt mức 40 tỷ USD sẽ thành hiện thực.
Nhưng có được vậy không? Bởi đằng sau những con số tăng trưởng và xuất khẩu kia là giá trị nhập khẩu nông sản 6,89 tỷ USD; trong đó, nhóm nông sản chính là 5,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ 2017. Nếu dùng phép tính cộng, trừ giản đơn giữa xuất và nhập, thì nghe ra ngành nông nghiệp đã có xuất siêu 1,8 tỷ USD, một con số ngoại tệ không nhỏ đóng góp cho kiến thiết nước nhà.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhưng chất lượng hẳn có vậy không khi mà sau Tết, đi về các vùng quê, thấy còn nhiều bề bộn: Nào là bắp cải, su hào, rau, xà lách… thối trắng đồng; nào là sản phẩm mía đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang “giải cứu”, giá lợn gà vẫn đứng im, những hi vọng của nhà nông về cây vụ Đông Xuân được bán nhanh, thu tiền bù cho chi tiêu Tết… đã tắt lụi.
Biết rằng, năng lực sản xuất vụ Đông Xuân sẽ tăng cả diện tích và sản lượng của hai ngành trồng trọt, chăn nuôi. Biết rằng, Vụ Đông gồm cây ngắn ngày, thu hoạch tập trung và khó bảo quản, nguy cơ ế thừa, giảm giá luôn rình rập nhà nông. Nhưng tại sao, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương vẫn cho nhập khẩu nông sản nhiều? Đành rằng, số nhập đó, có nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, nhưng phần không ít là những continer hàng rau, củ quả là “tạm nhập – tái xuất” sang thị trường thứ ba. Và theo đó là những lô hàng lậu chảy vào trong nước qua đường biên. Liệu rau, củ quả ế thừa, thịt lợn, gia cầm đứng giá, có bị ảnh hưởng từ những lô hàng nhập khẩu kia? Rồi ẩn sâu trong sự thiệt hại ấy, đang là cái mất lớn hơn, có nguy cơ chệch hướng làm cho DN buông lơi việc đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết với nông dân, thu mua chế biến và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam để bán hàng hóa ra nước ngoài. Khi cái giá trị cốt lõi phục vụ lợi ích cộng đồng của DN bị rẽ ngang, thì đó cũng là rào cản của phát triển. Và chiều kia, việc tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến nông sản theo chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt đoạn, người nông dân vẫn bơ vơ trên cánh đồng, ám ảnh sau mỗi kỳ thu hoạch là nông sản ế thừa, mất giá hoặc “đến hẹn lại đổ đi”.
Nông nghiệp làm giàu là gắn sản xuất với kinh doanh, là chuyển đổi tư duy từ khối lượng sang giá trị, hiệu quả kinh tế thì đó mới là động lực đi ra, đi lên; là những bàn tay, nối với bàn tay trong liên kết “4 nhà”, cho “nông dân giàu, nông nghiệp thịnh” – nghĩa cốt cách phát triển là ở đó, nông nghiệp phát triển bền vững là ở đó! Và ngược lại, nếu sản xuất và kinh doanh, nông dân và DN cứ “đường ai nấy đi” thì dẫu có sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến, dịch vụ; sản lượng và giá trị nông sản có tăng tiến thì cũng chỉ là sự dịch chuyển tự nhiên không bền vững. Nếu DN chỉ biết mua và bán, lấy tiền lãi làm kế sinh nhai, thì kinh doanh kiểu ấy giống như việc “Quanh năm buôn bán ở mom sông” như cụ Tú Xương đã viết mà thôi!
Hội nhập, phát triển đòi hỏi cả tư duy và hành động, cả chính sách và quản lý, điều hành, cả người nông dân và DN liên kết với nhau theo đường đi của sản phẩm, đem lại lợi ích cao, hài hòa của các bên tham gia. Đó mới thực sự là phát triển.