Sau lần đến khám bệnh tại một bệnh viện (BV) đầu ngành ở Hà Nội, chị Nguyễn Hoài Thương (phố Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa) luôn mang cảm giác sợ hãi khi đặt chân đến BV. Không những phải đối mặt với cảnh chen chúc, quá tải, chờ đợi mà điều chị "sợ" hơn là thái độ không mấy thân thiện của các thầy thuốc ở đây. Ngay từ bãi gửi xe đã bị những lời quát tháo của người trông xe vỗ vào mặt, bước chân vào Khoa Khám bệnh, những tưởng sẽ ấm lòng trước sự tiếp đón của các nhân viên tư vấn, nhưng chị đã vấp phải bức tường đá của thái độ lạnh lùng trước mỗi câu hỏi. Trong phòng khám, vị bác sĩ trẻ hơn chị cả chục tuổi luôn dùng những câu hỏi trống không, cụt lủn: "Đau gì?", "Bao lâu rồi?", khi chị trình bày mong một sự chia sẻ, cảm thông thì bị đuổi xơi xơi: "Thôi, mời chị ra ngoài để tôi khám cho người khác, không phải trình bày nhiều, ở đây tôi là bác sĩ...".
Người mắc bệnh thông thường khi đi khám đã khổ, những người bị bệnh truyền nhiễm lại càng mang mặc cảm nặng nề hơn. Đưa bạn đến cấp cứu tại BV Phụ sản Hà Nội, chị H. ở CLB Bồ câu trắng Hà Nội vô cùng thất vọng trước thái độ của một số nhân viên y tế với người bệnh. Chị tâm sự: "Hôm đó, tôi đưa một thành viên cùng nhóm đến cấp cứu vì có thai ngoài dạ con. Bác sĩ khám cho bạn tôi rất sơ sài, rồi khi chuyển lên khoa sản 2. Ở đó họ bảo hết giường và kê cho bạn tôi một giường ngay cửa nhà vệ sinh trong khi tôi thấy bên trong còn giường trống. Tại khoa này, không ai quan tâm, họ lảng tránh và bỏ mặc chúng tôi tự xoay xở. Chỉ đến khi tôi nhờ người từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Văn phòng Luật can thiệp, bạn tôi mới được mổ cấp cứu".
Đề cập đến một khía cạnh của y đức, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ: Việc khám chữa bệnh không phải chỉ có thuốc, kim tiêm, dao mổ… mà trước tiên cần loại thuốc từ tâm hồn người thầy thuốc tác động đến cảm nhận của bệnh nhân và người nhà họ. Khi bệnh nhân thấy sự quan tâm chăm sóc của thầy thuốc đối với mình sẽ yên tâm và tin tưởng, đây là yếu tố giúp lành bệnh nhanh nhất.
Ngành giáo dục đang nỗ lực xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Ảnh: Nguyệt Linh
Câu chuyện ở BV chỉ là một ví dụ cho sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi công sở hiện nay. Ngay những phòng tiếp dân của cơ quan hành chính, nơi lẽ ra trách nhiệm phục vụ nhân dân được đặt lên trên hết, vẫn còn không ít cán bộ, công chức, viên chức bỏ ngoài khối óc, trái tim hai từ "phục vụ". Ở những nơi đó, người đến giao dịch thường nhận được những câu giao tiếp thiếu chủ ngữ: "Có việc gì?", "Đi đâu?", "Gặp ai?"... với thái độ kẻ cả, lạnh lùng, thậm chí hách dịch... từ miệng những công bộc của dân.
Và “lệch chuẩn”
"Ngày ấy tôi ốm, thầy giáo đạp xe 12 cây số đến thăm, những hình ảnh về thầy mãi mãi là những ký ức đẹp trong tôi", mở đầu câu chuyện về mối quan hệ thầy - trò, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) hồi tưởng một kỷ niệm đẹp như… ngày xưa. "Còn ngày nay, mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo, mái trường và quan hệ thầy - trò cũng không còn thực sự thiêng liêng" - PGS.TS Bình nói.Chia sẻ điều này, nhiều người cũng cho rằng, hiện tại không ít giáo viên chỉ dạy cho hết bài, hết thời gian, miễn sao tròn nhiệm vụ hơn là quan tâm tới tâm tư nguyện vọng và đời sống của học sinh. Không thể phủ nhận là trong cơn biến đổi của cơ chế thị trường, vẫn còn những người thầy, người cô hết lòng vì học sinh. Ở nơi huyện nghèo Chương Mỹ, cô giáo Lê Thị Hòa đã bỏ công sức, chia tình yêu thương dạy không công cho mấy chục trẻ mồ côi, dị tật, bị ảnh hưởng của chất độc da cam… học chữ. 5 năm đã qua, giờ lớp học tình thương ấy vẫn đều đặn trong không gian yên tĩnh của ngôi chùa Hương Lan (huyện Chương Mỹ) với duy nhất một mong muốn không bến bờ của cô, đó là bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ thiếu may mắn. Hay ở nơi đô thị đông đúc phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), bà giáo già Hồ Hương Nam vẫn cặm cụi dạy chữ cho lũ trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn. 15 năm đi qua, giờ đã 80 tuổi, bà vẫn nâng niu, dỗ dành những đứa trẻ ấy học, không chút vướng bận nhỏ nhoi về chuyện tiền nong. Rồi nhiều sinh viên sư phạm - thế hệ thầy cô tương lai, không quản nắng, mưa, vất vả, hàng tuần vẫn lặn lội đến bãi giữa sông Hồng để phát quà, dạy chữ cho trẻ nghèo nơi đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm lòng thầy mênh mang kia, đây đó vẫn còn những ảnh hưởng từ cơ chế thị trường chen chân vào nơi trường lớp, vào mối quan hệ thầy trò. Ở đó xuất hiện những thờ ơ, toan tính kinh tế, khiến cô giáo "ép" khéo học sinh đến lớp học thêm của mình để tăng thu nhập. Nhiều người bi quan còn cho rằng, cái thời thầy lạch cạch đạp xe đón trò đến lớp, miết mải dạy phụ đạo mong bù lấp lại khoảng kiến thức còn trống của trò chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Cái thời cô giáo qua nhà cõng trò đến lớp vì trò bị ngã gẫy chân chỉ cách đây hơn 10 năm, nhưng giờ có thể xem là chuyện… lạ. Thầy, cô chẳng những không yêu trò như con, mà có trường hợp còn đánh mắng, thậm chí nhốt cả trẻ mầm non vào thang máy… Còn trò, tuổi mới lớn thì cũng chẳng ngần ngại "bày mưu" đánh giả thầy.
Nhiều người so sánh, trước đây, thầy là tấm gương sáng, học trò nhìn vào để noi theo, còn bây giờ nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, mối quan hệ này nhiều khi quá suồng sã. Thầy dễ dãi, trò không phục. Bên cạnh đó là sự xuống cấp đạo đức, nhân phẩm của một số giáo viên, sẵn sàng nhận tiền hay vì những mối quan hệ riêng để nâng đỡ học sinh, thậm chí cả những câu chuyện thầy giáo có hành vi đồi bại làm tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là tâm lý của học sinh. Những vụ việc như thầy cô làm nhục học sinh, ép quan hệ tình dục, học sinh trả thù thầy chặn xe hành hung, tạt axit ngay trên giảng đường… Tất cả đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh khi mà ranh giới giữa thầy và trò càng ngày càng thiếu rõ ràng và tất yếu, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Chính vì mối quan hệ lỏng lẻo ấy khiến dư luận luôn đặt ra cho ngành giáo dục những câu hỏi không dễ trả lời. "Có thể nói, văn hoá học đường đang có sự biến đổi vô cùng nhanh chóng hay nói một cách khác là đang trong tình trạng báo động và cần sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Những "thói hư tật xấu" nào có trong xã hội đều dễ dàng vào nhà trường một cách nhanh chóng. Là môi trường sư phạm, nhưng hầu hết các trường đều chỉ chú trọng chạy chữ mà quên vai trò rèn người" - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận xét.
Chỉ phong trào thôi, chưa đủ
Không phải đến bây giờ, hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử tại những môi trường rất cần văn hóa như trường học, bệnh viện mới được gióng lên. Và có một điều chắc chắn rằng, không phải những người có trách nhiệm, những thầy thuốc, thầy giáo có tâm với nghề không băn khoăn, bức xúc với tình trạng này. Bằng chứng là, trong những năm gần đây, cả ngành y tế lẫn giáo dục đều phát động những phong trào, cuộc vận động với mong muốn chấn hưng văn hóa ứng xử trong hoạt động của ngành mình, cấp mình.
Nhiều trường học, BV phát động những phong trào nhằm cải thiện mối quan hệ, ứng xử, giao tiếp giữa bác sĩ - bệnh nhân, giữa thầy và trò. Ngành giáo dục có các phong trào "Học sinh thanh lịch", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"... Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là hiệu quả của các hoạt động trên không được như mong đợi.
Với môi trường các BV, hàng năm phong trào thực hiện "Quy tắc ứng xử" trong BV được ngành y tế phát động rầm rộ từ T.Ư đến địa phương. Mới đây, cuộc vận động "Bệnh viện không phong bì" cũng được nhiều BV hưởng ứng, ký cam kết. Ấy vậy nhưng, thực tế vẫn còn nhiều câu chuyện nhói lòng về y đức. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một đại biểu Quốc hội đã kể lại hình ảnh mắt thấy tai nghe: Bệnh nhân ăn cơm từ thiện của nhà chùa, dành tiền làm phong bì lót tay cho bác sĩ. Nhiều câu chuyện tương tự không mới, nhưng điều đáng nói là Bộ Y tế cứ hô hào, phát động, nhưng hết khóa bộ trưởng này đến khóa bộ trưởng khác vấn nạn nhức nhối này không giảm. Dù đau lòng nhưng phải thừa nhận rằng, để loại trừ được tệ nạn này không chỉ đơn giản bằng một cuộc vận động "nói không". Trước phiên chất vấn, điều người dân mong chờ nhất là lời hứa của Bộ trưởng, rằng bao giờ thì những bệnh nhân nghèo không phải đưa nốt đồng tiền cuối cùng cho bác sĩ. Những câu hỏi đó đã không được trả lời. Nhiều cử tri không khỏi thấy buồn, thất vọng, lo âu, nếu ngày mai phải vào bệnh viện…
Trên sâu khấu của hội thi, tiết mục nào cũng xuất sắc, thí sinh nào (là những giáo viên, bác sĩ, học sinh, sinh viên…) cũng làm "tròn vai" của mình. Giá như, những "vai" trên sân khấu được phát huy nhiều hơn trong thực tiễn, để BV bớt tiêu cực, trường học giảm kêu ca…
Từ thực tế trên có thể thấy rằng, để chấn hưng, đi đến xây dựng văn hóa ứng xử tại nơi công sở, trường học, BV, phải thực hiện các giải pháp căn cơ hơn, phải làm từ gốc…
Bài 3: Ghé chân bên những thềm nhà