Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di sản giáo dục Nho học: Giữ và bỏ những gì?

PGS.TS Phạm Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khái niệm lễ và văn trong văn hóa giáo dục Nho giáo lớn hơn những nội dung chúng ta quan niệm hiện nay nhiều.

Nhiều người đã hiểu cái lễ trong quan niệm xưa chỉ là đạo đức, ứng xử rồi khép cho nó những “tội lỗi” như lạc hậu, cổ hủ, nặng về tôn ti trật tự, thiên về lễ giáo phong kiến, trói buộc tinh thần tự do, sáng tạo, không coi trọng ý thức cá nhân, chỉ phù hợp với xã hội phong kiến để phủ nhận nó. Còn văn chỉ là tri thức và đi đến kết luận quan niệm ấy đã lỗi thời… Cách nhận thức ấy chưa đúng vì quá trình đào tạo một con người thành tài, có thể nhập thế giúp đời, theo quan niệm của ông cha ta, không đơn giản như vậy.
1. Quá trình đào tạo cả về nhân cách lẫn tri thức diễn ra song song, đồng thời, có trình tự và được gói gọn trong mấy chữ ngắn gọn mà đầy đủ: Cách vật, trí tri, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (đến với sự vật, hiểu sự vật đầy đủ, có tấm lòng trung thực, tu dưỡng bản thân, làm cho gia đình yên vui, điều hành đất nước (xứng với vị trí của mình), giữ cho thiên hạ ổn định).
 Giờ học của cô và trò trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình. Ảnh:  Công Hùng
Ở đây, tôi muốn nói kĩ hơn về bốn khâu đầu vì trong logic của quá trình này thì ba khâu sau như là kết quả của quá trình đào tạo mà triết lý giáo dục Nho giáo đã đề xuất: Đến với sự vật, hiểu nó đến nơi đến chốn, phải trung thực, phải tu dưỡng bản thân. Mấy từ nhưng gói ghém bao nhiêu nội dung và mỗi kẻ sĩ muốn đạt được phải học tập suốt đời.
Trí tri thì là biết nói là biết, không biết nói là không biết mới gọi là biết, có lẽ không có gì giản dị hơn và để học được điều đó thì người học buổi sáng được nghe đạo lý, buổi chiều có chết cũng không hối tiếc và người dạy thì dạy người không nề hà mệt mỏi. Khi có người hỏi bí quyết xây dựng doanh nghiệp, ông chủ Honda trả lời: Ông học thật kĩ, biết cặn kẽ động cơ của máy nổ của người đi trước rồi mới suy ngẫm về những điểm yếu của họ để sau này không mắc lại sai lầm ấy và ông thành công. Cách vật là thế, trí tri là thế. Cách vận dụng cái cũ để sáng tạo cái mới là thế.
Còn khái niệm tu thân cũng bị nhiều người thời nay chỉ giới hạn trong phạm vi đạo đức. Tôi cho đó là một sự nhầm lẫn. Kẻ sĩ tu thân, dĩ nhiên là rất coi trọng đạo lý nhưng tu thân còn gồm cả rèn luyện tri thức, bản lĩnh, nhân cách, rèn luyện tài năng để khi xuất thế không còn là một thư sinh chỉ là một con mọt sách, ngơ ngác giữa cuộc đời mà như một chính khách, hiểu nhiều, biết rộng, một nhà quản lý đủ sức điều hành cả một lĩnh vực, một địa bàn.
Chả thế mà trong lịch sử nước nhà, biết bao người mới bước vào sự nghiệp trị quốc đã khiến cho cả các quân vương và những người đi trước, đồng liêu phải nể phục bởi tài năng và nhân cách của họ?
Quách Tấn cho rằng Tây Sơn tam kiệt, nhất là người thứ hai, sở dĩ thành công nhanh như thế vì nhiều năm được thụ giáo Giáo Hiến - một trí thức lớn bấy giờ, được tiếp nhận và rèn luyện cả về tri thức, chí hướng, bản lĩnh và tất cả những điều ấy sẽ thăng hoa khi bắt gặp những điều kiện thuận lợi của thời đại.
Ông đặc biệt đánh giá cao thái độ quyền biến, bản lĩnh của Nguyễn Huệ trong thời loạn lạc và ngọn cờ Phù Lê, diệt Trịnh của ông sẽ khó thành công đến thế nếu văn hóa giáo dục Nho giáo không đào tạo được một học trò xuất sắc đã tiếp nhận được tinh hoa của nền giáo dục này và vận dụng nó vào cuộc đời một cách sáng tạo như ông.
Nguyễn Huệ không nệ sách vở, tri thức thánh hiền ở ông không đầy đặn như nhiều vị khác nhưng cái tinh thần và bản lĩnh của tinh hoa giáo dục Nho giáo đã thấm vào ông: tầm nhìn và bản lĩnh của ông đã thuyết phục được những trí thức lớn của thời đại như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và các cựu thần nhà Lê như Ngô Thời Nhiệm, Bùi Dương Lịch, Đoàn Nguyễn Tuấn…Và ở khía cạnh này, ông cũng là một ví dụ thành công của giáo dục Nho giáo trong đào tạo hiền tài.
2. Trong nhiều di sản của giáo dục Nho giáo, tinh thần tôn sư trọng đạo và hiếu học thường được nhắc đến như một thành tựu và một mơ ước xen lẫn tiếc nuối: Ngày nay không còn được như xưa. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư vừa được coi như một mẫu mực về đạo lý thầy trò, vừa bị xem như một gánh nặng quá khứ.
Cả hai cách nói trên đều có căn cứ của nó nhưng thực ra, về bản chất, câu nói này cũng chỉ là một cách diễn ngôn về một thái độ ứng xử sao cho phải đạo chứ không nhất nhất là khuôn mẫu cho người đời. Bởi bên cạnh những câu như vậy vẫn còn các câu: "Con hơn cha là nhà có phúc", "Trò hơn thầy phúc nước càng dầy" kia mà.
Đành rằng đó là sáng tác dân gian và không có vẻ chính thống nhưng đó cũng là một thái độ điều chỉnh những quy tắc cứng nhắc mà thái độ dân gian là thái độ ứng xử mang tính điều chỉnh lý thuyết trong thực tiễn.
Tôi đã chứng kiến một chuyện điển hình về đạo lý thầy trò và việc thầy nhắc nhở trò đạo lý sự học lớn lao hơn nhiều chuyện ứng xử của cá nhân với cá nhân. Đó là chuyện GS Trần Văn Giàu nói với các học trò khi ông ra dự lễ tuyên dương khoa Lịch sử là đơn vị anh hùng mà khi còn ở trường Tổng hợp, ông làm Chủ nhiệm khoa.
Một buổi sáng, tôi đến khách sạn nơi thầy nghỉ thì không gặp thầy. Hơn hai chục học trò của thầy cũng chờ ở đó vì biết tin thầy ra Hà Nội nhưng không ai biết thầy đi đâu từ sớm, ngoài kế hoạch, liên lạc điện thoại cũng không được. Gần 10 giờ mới thấy thầy về. Tôi chứng kiến các môn sinh của thầy đứng xếp hàng, đứng đầu là GS Đinh Xuân Lâm, lúc đó cũng đã 75 tuổi, đầu bạc phơ, những người khác cũng đã hai thứ tóc.
Thầy cười rất tươi chào các học trò cũ. Người nào cũng kính cẩn vấn an thầy, cô, xưng con rất trịnh trọng, vui mừng khi được gặp thầy, thấy thầy khỏe. Thầy cho biết mình đi viếng cụ Hồ vì nghĩ ít còn có dịp ra Hà Nội. Không may dịp này Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đóng cửa, thực hiện các hoạt động bảo trì kĩ thuật nên thầy đành quỳ xuống vái lạy từ xa. Rồi thầy nói đại ý: Tôi rất vui gặp được mấy cô, mấy chú. Mấy cô mấy chú thành ông, thành bà cả rồi nhưng tôi gọi thế cho tiện. Đừng gọi tôi là thầy.
Vì công việc nhà nước giao, tôi đứng nói cho mấy cô, mấy chú ít giờ thế chứ tôi đâu dám nhận là thầy. Chữ thầy lớn lắm, nặng lắm. Ở nước mình, tôi tôn khoa học Lịch sử và cụ Hồ làm thầy vì khoa học Lịch sử dạy tôi phải khách quan, trung thực còn cụ Hồ dạy tôi làm người. Rồi thầy hỏi thăm những người không đến hôm nay, chia buồn với người đã mất, chia vui với những người có con cháu trưởng thành.
Tất cả những người có mặt ở đó phần lớn đều là những nhà khoa học có tên tuổi đứng lặng đi nghe lời tâm sự của thầy vừa nặng đạo lý chung, vừa thấm đẫm tình riêng. Tôi dẫn ra chuyện ấy để nói về mặt tích cực của truyền thống giáo dục, trong đó có một phần của giáo dục Nho giáo với ý nghĩa tinh thần tôn sư trọng đạo mang nghĩa tích cực nhiều mặt chứ không chỉ là chuyện ứng xử, dù đó là những ứng xử giàu tính nhân văn.
3. Giáo dục theo kiểu Nho giáo không thể tiếp tục như nó đã từng tồn tại trong thời đại ngày nay là điều hiển nhiên. Nhưng loại bỏ điều gì, giữ lại và cải tiến điều gì lại là chuyện cần cân nhắc, lựa chọn kỹ. Vì chắc chắn chúng ta sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu, giải mã những nguyên nhân thành công của triết lý giáo dục này.
Trong khi thiếu thốn rất nhiều những điều kiện giáo dục như sách vở, trường sở, thầy dạy, phương pháp truyền thụ tri thức, không có những lí thuyết về khoa học giáo dục, mô hình đào tạo đơn giản, thậm chí còn thô sơ nhưng tại sao giáo dục Nho giáo trong một thời gian dài lại sản sinh ra nhiều hiền tài, nhiều nhà giáo dục lớn, đóng góp cho xã hội những lương đống xứng đáng, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển xã hội đến vậy?
Chúng ta cũng hoàn toàn nhận thức được những mặt trái, yếu kém của nền học vấn khoa cử nhưng có lẽ ở trong những hạn chế này vẫn có những yếu tố không thể xem thường. Ví như những hiểu biết đến nơi, đến chốn sự vật - đôi khi bị cho là sách vở, giáo điều, nhai lại tri thức cũ, thiếu tính ứng dụng…, cũng là bài học cho chuyện điều chỉnh chương trình, mục tiêu của chúng ta bởi muốn phê phán, cải tiến hay thay đổi một sự vật nào đó vẫn cần phải hiểu biết nó cặn kẽ mới có thể có quyết định chính xác. Và điều này vẫn là vấn đề khoa học chứ không chỉ là chuyện ứng xử.

Trong nhiều di sản của giáo dục Nho giáo, tinh thần tôn sư trọng đạo và hiếu học thường được nhắc đến như một thành tựu và một mơ ước xen lẫn tiếc nuối: Ngày nay không còn được như xưa. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư vừa được coi như một mẫu mực về đạo lý thầy trò, vừa bị xem như một gánh nặng quá khứ.


Cần giúp học sinh hiểu hơn lễ nghĩa

"Tôi quan niệm, khi trò mắc lỗi đuổi học thì rất dễ, giúp học trò thay đổi được nhận thức, những vấn đề tận sâu bên trong mới khó. Qua các giờ lên lớp, qua trao đổi với các em, tôi thấy học trò rất cô đơn. Các em luôn cần được chia sẻ cả với gia đình và thầy cô. Cả gia đình, nhà trường cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn để các em được trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn, được dạy đạo đức nhiều hơn.

Hiện nay, ngay trong môi trường sư phạm cũng đang chú trọng dạy giáo viên tri thức nhiều hơn là dạy những kiến thức đào tạo về tâm lý, tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng cho học trò. Do đó, mỗi nhà trường phải chủ động nắm được tình hình, tâm sinh lý của học sinh mỗi năm, mỗi giai đoạn để có những phương pháp, biện pháp giúp học sinh hiểu hơn về lễ nghĩa. Chẳng hạn, cần tạo ra những hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, tươi mới, nhằm kéo học sinh tham gia các hoạt động này và tránh xa tệ nạn xã hội." - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa - Nguyễn Thị Nhiếp


Gia đình nhận thức đúng về dạy cho con cái

"Nói đến giáo dục là nói đến nhà trường trở thành thói quen của nhiều người. Ở các nhà trường chúng tôi cũng tự nhận thức vai trò của nhà mình trong giáo dục nhân cách cho trẻ. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu mỗi gia đình chỉ có 1 -2 con thì cũng cần phải nhận thức được sứ mệnh của mình.

Không phải là chỉ nuôi con lớn mà còn phải dạy con cả về nhân cách sống, giúp con phát triển các kỹ năng sống. Các gia đình chỉ lo con có bằng nọ, bằng kia mà chưa đo xem con mình đã lớn về mặt tinh thần, về mặt nhân cách hay chưa. Và thước đo đầu tiên trong nhân cách của trẻ đó là biết ứng xử lễ phép, tôn trọng thầy cô. Có lẽ, vấn đề này lại đang bị xem nhẹ." - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội TS Nguyễn Tùng Lâm

(Linh Anh ghi)