KTĐT - "Săn" hàng giảm giá sau Tết đang là xu hướng của nhiều nữ sinh viên, sau một tuần nghỉ và có rủng rỉnh tiền lì xì.
Cầm một triệu đồng tiền lì xì Tết, Thanh Hương, sinh viên năm thứ 2 đại học tìm đến ngay các cửa hàng thời trang quen thuộc. Không tốn kém nhiều tiền, Hương dễ dàng mua được cả một đống đồ giá rẻ mà rất hợp thời trang.
Có chiếc váy Hương 'nghía' từ trước Tết, giá chào bán là 380.000 đồng, dù đã được giảm giá 20%. Chê đắt, cô bấm bụng rời khỏi cửa hàng để chọn một sản phẩm giá rẻ hơn. "Ấy vậy mà, sau Tết, vẫn cửa hàng đó, sản phẩm ấy, giá giảm tới gần một nửa và chỉ còn 200.000 đồng. Như vậy, vẫn số tiền ấy, tôi sắm được tới 2 sản phẩm ưng ý", Hương khoe.
"Săn" hàng giảm giá sau Tết đang là xu hướng của nhiều nữ sinh viên, sau một tuần nghỉ và có rủng rỉnh tiền lì xì. Tại phố Chùa Bộc, Hà Nội chiều ngày mùng 6 Tết, nhiều cửa hàng quần áo, thời trang đã mở trở lại. Để thu hút khách hàng, các biển hiệu treo giảm giá 20%, 30%, thậm chí giảm tới 50% với lời mời hấp dẫn "mua 1 tặng 1" hay "lì xì năm mới" để kích cầu. Một số cửa hàng thời trang trên phố Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng Hà Nội cũng bắt đầu trưng biển "sale off" hay "đại hạ giá, siêu khuyến mãi" khi mở cửa trở lại sau một tuần nghỉ Tết.
Chị Thanh, chủ một shop thời trang trên phố Nguyễn Lương Bằng cho biết, sau Tết là thời điểm quần áo khó bán nên để kích cầu, cửa hàng phải thực hiện chính sách "đại hạ giá". Đối tượng mua sắm những ngày đầu năm thông thường là học sinh, sinh viên có tiền mừng tuổi Tết, tranh thủ đi mua sắm. Tuy nhiên, không giống như giai đoạn sát Tết, các loại quần áo tiêu thụ nhiều trong dịp này là quần áo xuân hè, hoặc thu đông. Các loại áo khoác đại hàn hầu như tiêu thụ rất ít hoặc không có người mua.
"Do vậy, nhiều mẫu quần áo của mùa hè và mùa thu năm trước cũng được chúng tôi trưng ra bán với mức giá giảm khoảng 20-30% so với trước", chị Thanh nói.
Không chỉ quần áo thời trang, nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, giầy dép, cũng treo biển giảm giá để kéo khách hàng đến mua sản phẩm đầu năm. Chị Quỳnh, kinh doanh mỹ phẩm ở phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cho biết ngay từ mùng 4 Tết - phiên mở hàng đầu năm cửa hàng chị đã treo biển giảm giá 50% cho nhiều mẫu sản phẩm. "Vạn sự khởi đầu nan, đầu năm đông khách giúp người bán tin tưởng rằng một năm tốt lành và tăng doanh thu", chị Quỳnh nói.
Theo chị, mỹ phẩm là nhóm hàng nhạy cảm đối với chị em. Họ thường mua các sản phẩm có thương hiệu và tin dùng. Do vậy, khuyến mãi, giảm giá không có nghĩa là hạ thấp sản phẩm, hàng bán ra phải đảm bảo về chất lượng. "Khách hàng ngày càng tinh tế, họ không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn chất lượng. Có người đến, họ đọc vanh vách các mức giá mà tôi từng niêm yết cho các sản phẩm trước đó", chị Quỳnh cho biết thêm.
Bích Phương - nhân viên PR một công ty truyền thông ở Hà Nội cho biết mỗi ngày cô "lượn" ít nhất 2 lần trên các trang web bán hàng qua mạng để "săn" hàng thời trang và so sánh các mức giá. Vì thế, cô luôn biết được cửa hàng nào có đồ mới, giá bán ra sao và có các chính sách khuyến mãi, hạ giá như thế nào.
"Chiều qua, lạo dạo qua trang muare.vn tôi đã tậu được 2 chiếc váy cách điệu để mặc cho mùa hè đấy", Phương nói. Cô cho biết so với hồi trước Tết, giá mỗi chiếc váy này giảm thêm gần 50.000 đồng.