Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - 10 năm nhìn lại

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinthedothi - Chiều 23/11, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long”.

Sự kiện nhằm khẳng định những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sau 10 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.  
Tới dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
 Các đại biểu điều hành hội thảo quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long”.

 
Theo TS Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội: Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt 2 đồ án Quy hoạch: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ (tỷ lệ 1/500) (ngày 21/8/2015) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) (ngày 3/7/2015) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Trong đó tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu; nghiên cứu các nghi lễ trong cung đình và các hoạt động văn hóa phi vật thể.
Đặc biệt là việc nghiên cứu khai quật khảo cổ tại khu di sản theo lộ trình và kế hoạch hàng năm. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực trung tâm Thành cổ, thu được nhiều kết quả mới, góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực Cấm thành thăng Long để từng bước nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên. Cũng theo TS Trần Việt Anh, mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, Hoàng thành Thăng Long là một trong những di tích tiên phong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như wifi, ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone; đưa di sản tiếp cận công chúng rộng rãi hơn bằng các hình thức trưng bày trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng bằng công  nghệ 3D… Theo hướng đó, năm 2020, lần đầu tiên,Trung tâm đưa vào phục vụ khách tham quan một công cụ tiện ích, sáng tạo là màn hình tương tác diễn giải lịch sử Hoàng thành Thăng Long, giúp du khách trải nghiệm và khám phá di sản một cách thuận tiện dễ dàng nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của khu di sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. 
Tại hội thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khi đó đang giữ vị trí là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chia sẻ đầy xúc động về giờ phút Hà Nội nhận tin vui, tại kỳ họp thứ 34, UNESCO đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành thăng Long – Hà Nội của Việt Nam là di sản thứ 900 của thế giới. “Trong suốt 10 năm qua, Hà Nội đã cùng với Bộ VHTT&DL và các ngành đã chấp hành đúng 8 cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội” - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn cũng như mở cửa đón khách tham quan, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá giá trị để khu di sản mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.             
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan đã có sự quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn cũng như mở cửa đón khách tham quan, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá giá trị để khu di sản mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.    
“Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đối với khu di sản trong bối cảnh phát triển đô thị cũng được đặt ra với nhiều băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nêu.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long” nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, góp phần để nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu di sản trên nhiều phương diện từ qui hoạch đô thị, kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá… đến bảo tồn, phát huy giá trị. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn, quản lý… trong và ngoài nước. Các tham luận đề cập đến nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, bảo tồn, bảo quản, phục dựng… di tích, di vật trong các khu di sản cũng như kinh nghiệm quản lý, quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản. Nội dung các tham luận bám sát 2 chủ đề, gồm: Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc, và Quản lý bền vững các Khu di sản ở Việt Nam và thế giới - kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong một thập kỷ qua hoạt động khai quật khảo cổ học; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị; sự hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, trưng bày; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long thông qua kết quả nghiên cứu khoa học… cũng như chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững khu di sản…