Sự ra đời của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam với mô hình sống động đã khiến cho quan niệm về hoạt động bảo tàng ở Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Thành công của Bảo tàng Dân tộc học là minh chứng cho việc bảo tồn di sản không chỉ cất trong tủ kính, mà cần quảng bá giới thiệu đến người dân. Cộng đồng là người bảo tồn giới thiệu di sản văn hóa đến công chúng "Với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cộng đồng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sưu tầm, mà quan trọng hơn, cộng đồng cùng với Bảo tàng tham gia trưng bày, trình diễn, giới thiệu và bảo tồn di sản văn hóa. Điều đó đã làm cho các hoạt động của Bảo tàng gần gũi với đời sống, chân thật và sống động. Ngoài trưng bày, cộng đồng tham gia có hiệu quả vào hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống, văn nghệ dân gian, rối nước, các trò chơi dân gian... Những công trình kiến trúc dân gian trong khuôn viên Bảo tàng đều do cộng đồng tạo dựng nên và khi cần thì chính các chủ thể văn hóa trở lại sửa chữa. Sự xuất hiện các công trình kiến trúc dân gian ở Bảo tàng làm cho mối quan hệ giữa cộng đồng và Bảo tàng thêm gần gũi, thân thiết. Và thông qua các hoạt động đó, cộng đồng trực tiếp giới thiệu, quảng bá văn hóa đến công chúng, vừa nâng cao lòng tự hào đối với di sản văn hóa, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa. Sự sống động và hấp dẫn của một bảo tàng văn hóa có sự đóng góp công sức rất lớn của cộng đồng. Đây là điểm sáng và là nét mới đặc sắc trong hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam." - (trích nguồn website Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) Không áp đặt người xem bằng những hiện vật "Chúng tôi "sướng" nhất là được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (cơ quan chủ quản) không bao giờ gò ép một cách cứng nhắc, cầm tay chỉ việc phải làm cái này, cái kia. Chính vì thế chúng tôi được chủ động phát huy tính sáng tạo theo một cách làm mới chứ không áp đặt người xem bằng những hiện vật mang tính giới thiệu một chiều, những thông tin, đáp án có sẵn. Không thể bị động mà phải luôn tạo ra những lối mở để mọi người tự nghĩ, tự cảm thụ theo hoàn cảnh, điều kiện của mình rồi từ đó họ sẽ tự rút ra bài học riêng." - PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Thanh Khánh ghi) |
Di sản văn hóa không cần “đóng khung”
Kinhtedothi - Rất nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được giới nghiên cứu đánh giá là đặc sắc, độc đáo có một không hai, nhưng không thể giới thiệu đến đông đảo công chúng. Những câu chuyện về bảo tồn di sản văn hóa tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là minh chứng cho việc cần biết cách để di sản văn hóa lan tỏa, chứ không phải “đóng khung”.
Những cái đầu tiên của một bảo tàng
Trước năm 1995, công chúng bắt đầu xa lánh hệ thống bảo tàng của Việt Nam. Bởi vì, những hiện vật, những câu chuyện kể từ văn hóa, lịch sử cho đến chứng tích chiến tranh khi đưa vào bảo tàng đều được đóng khung trong từng chiếc tủ, và từng căn nhà bê tông. Không gian của bảo tàng không còn là nơi hấp dẫn người xem.
Thế nhưng, từ năm 1995, với sự xuất hiện của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ở một vùng đất khi đó còn bị coi là ngoại thành, xa trung tâm, nơi đây đã làm nên điều không tưởng đó là để công chúng xếp hàng chờ đến lượt vào xem.
Bởi vì, đến với Bảo tàng Dân tộc học, lần đầu tiên, công chúng Việt Nam được tham quan một bảo tàng lại được nghe người dân trực tiếp chia sẻ tiếng nói, chia sẻ văn hóa của mình với khách tham quan, thông qua những clip dựng bằng lời, qua các buổi biểu diễn và chia sẻ của các chủ thể văn hóa với công chúng…
Những di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất Việt không phải đúc kết bằng hình ảnh, hiện vật, mà bằng chính hành động, lời nói của chủ thể văn hóa. Vào mỗi dịp quan trọng, Bảo tàng lại mời các nghệ nhân đến từ từng vùng miền để hướng dẫn khách tham quan cách đi cà kheo, hoặc múa khăn, múa chuông, tham dự vào lễ cấp sắc của người Dao.
Lần đầu tham gia vào sự kiện “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao” ở Bảo tàng Dân tộc học, nghệ nhân dân tộc Dao Đặng Thị Xuân (đến từ bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: "Tôi không nghĩ ở giữa Thủ đô mà không gian, sắc màu văn hóa Dao lại đậm đặc như thế. Chúng tôi được đến, được giới thiệu hoạt động và được hòa mình cùng cảm nhận niềm vui với du khách, chương trình đã cho tôi cơ hội giới thiệu các nét đẹp của dân tộc Dao đến với người dân và du khách. Tôi mong muốn, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình, hoạt động như thế này để giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống của các dân tộc trong cả nước".
Điểm khác biệt nữa ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong việc bảo tồn, văn hóa di sản, đó cũng là lần đầu tiên, bảo tàng có khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của nhiều dân tộc ở khắp các miền của đất nước và người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách.
Tại khu trưng bày ngoài trời, công chúng sẽ bắt găp những kiến trúc độc đáo của người dân tộc như nhà sàn của người Tày, nhà sàn của người Ê đê, nhà trệt lợp ván pơmu của người H’mông. Nằm trong khuôn viên khu vườn còn có cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Không gian ngôi nhà người Mường, khu nhà đất của người dân Đồng bằng Bắc Bộ…
Không tô hồng di sản của cộng đồng
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, năm 1983, khi đang đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, ông được giao phụ trách việc chuẩn bị cho Bảo tàng Dân tộc học tương lai, với yêu cầu: Phải xây dựng một đề án có tầm cỡ và quy mô, để phát triển bảo tàng. Đích thân ông Huy cùng các đồng nghiệp lên Tây Bắc, đến tận những buôn làng Tây Nguyên, vào Nam Trung Bộ... mời từng người dân về bảo tàng xây dựng nên những ngôi nhà truyền thống theo đúng kiến thức dân gian của họ. Không gian trưng bày bên trong Bảo tàng giới thiệu chân thực cuộc sống văn hóa của đồng bào dân tộc.
“Đồng bào sống thế nào, chúng tôi trưng bày và giới thiệu như thế, không tô hồng, không thêm thắt, và cũng không cố tình lồng ghép những bài học, kinh nghiệm vào… bởi chúng tôi muốn để người xem tự cảm nhận, và cách làm đó đã rất hiệu quả” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Sự ra đời của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam với mô hình sống động đã khiến cho quan niệm về hoạt động bảo tàng ở Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Thành công của Bảo tàng Dân tộc học là minh chứng cho việc bảo tồn di sản không chỉ cất trong tủ kính, mà cần quảng bá giới thiệu đến người dân.
Rưng rưng với triển lãm Hà Nội thời bao cấp
285.000 người trong đó có hơn một nửa là người Việt Nam tới tham quan triển lãm “Hà Nội thời bao cấp” diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Gần 2.000 trang giấy đã được người xem ghi lại cảm tưởng. Đó là những con số được gọi là kỷ lục năm 2006 - 2007 mà một cuộc triển lãm đón nhận. Đó cũng là sự kiện thành công đáng nhớ trong quá trình bảo tồn di sản, để công chúng nhắc đến Bảo tàng dân tộc học.
Người ta luôn đặt câu hỏi, triển lãm nói gì mà hấp dẫn người dân đến thế? Thành công của triển lãm không chỉ bởi sự đóng góp hiện vật, tư liệu từ 160 người, hộ gia đình ở Hà Nội. Đó là ông Nguyễn Ngọc Phan, 66 tuổi, khu đô thị Linh Đàm, đóng góp một chiếc xe đạp với đầy đủ giấy chứng nhận sở hữu được cấp từ năm 1978. Đó là bà Nguyễn Thị Ban, nguyên cán bộ xã Quảng An đóng góp chiếc xe đạp Pơ-giô mua năm 1985. Hoặc khá nhiều người trao tặng những loại tem phiếu như phiếu thực phẩm, chất đốt, lương thực... mà họ còn giữ lại từ những năm 1960 -1980. Thành công của triển lãm chính là ở chỗ các hiện vật ấy không chỉ được sưu tầm rồi trưng bày, mà còn kể lại câu chuyện về Hà Nội của thời kỳ những năm 1960 - 1980. Một cuộc sống tuy khốn khó nhưng cũng đầy thương nhớ.
Triển lãm đã để ông Phan kể chuyện khi chuyển công tác về Hà Nội, ông phải làm thủ tục chuyển vùng cho cái xe để công an cấp chứng nhận sở hữu mới. Nếu không chuyển vùng thì không được cấp sổ mua phụ tùng để thay thế. Hoặc để bà Nguyễn Thị Ban gợi nhớ lần bà tiết kiệm mãi mới mua được cái xe đạp.
Một hôm, cháu nội lấy xe để tập làm xước sơn. Tiếc xe, hôm sau đóng xe vào hộp cất đi nên bây giờ chiếc xe vẫn còn mới. Nguyên cán bộ Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội Lê Thị Thắng nhận xét, tem phiếu một mặt gây cho người ta những căng thẳng, bức xúc, ép phải mua hàng hóa trong một thời hạn nhất định hay là tiêu chuẩn thế nào chỉ được mua đúng như thế. Tuy nhiên, người nghèo nhất, lương thấp nhất cũng không lo chuyện đói.
Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp còn được ghi lại khá đa dạng qua hàng trăm hiện vật, từ những chiếc quần cũ được quay ống, áo cũ được lộn cổ để tái sử dụng, vỏ chăn may từ vỏ bao đựng đường, những lọ Penixinice đựng mì chính, đôi dép nhựa Tiền Phong, chiếc áo lông Đức, hòn đá dùng xếp hàng để giữ chỗ mua lương thực... Những hiện vật này đã đem đến những cảm nhận sâu sắc và xúc động cho người xem, khi chứng kiến một thời gian khó của đất nước. Người già đến với triển lãm để hồi ức với một phức cảm đặc biệt, người trẻ đến với triển lãm để cảm nhận. Cái tài của người làm bảo tàng lúc đó là biến những thứ tưởng như đã lãng quên trở thành di sản cuộc sống.
Triển lãm “Hà Nội thời bao cấp” của Bảo tàng Dân tộc học trở thành tiền đề cho văn học, nhiếp ảnh, hội họa khai thác tiếp về thời bao cấp. Sau cuộc trưng bày này, xã hội mở ra những thảo luận cởi mở hơn về thời bao cấp. Cuộc sống thời bao cấp vốn rất khó khăn, chật vật, với biết bao bi hài đã được các phương tiện truyền thông đại chúng phục dựng thiên về khía cạnh thân thiện, hài hước, thấm đẫm tình người trong gian khó.
Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam trở thành vấn đề thực tiễn quan trọng, cần quan tâm giải quyết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần củng cố, nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc. Thành công của Bảo tàng Dân tộc học cũng là minh chứng hữu hiệu cho quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc của cả Việt Nam.