Nhưng bóng đá nữ là một trường hợp đặc biệt, bởi ở đó, người ta có thể gây dựng sự nghiệp lớn thông qua cách làm đặc thù.
Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nền bóng đá nữ phát triển phải đau đầu tìm ra lời giải mang tên phát triển nhân lực. Để có được một giải vô địch nữ đầy tính cạnh tranh, qua đó tạo nguồn nhân lực cho đội tuyển quốc gia. Nói đến điều này bởi lẽ, không dễ thu hút các cô gái trở thành cầu thủ. Sự đầu tư từ xã hội, Chính phủ cho bóng đá nữ không phải là cao, khiến sân chơi này không dễ thu hút sự quan tâm từ cộng đồng. Những rào cản đối với sự phát triển của bóng đá nữ là có thật. Nói đâu xa, từ bao lâu nay, VFF đang gặp khó trong việc mở rộng số lượng đội tham dự giải vô địch quốc gia. Hàng loạt đội bóng nữ đã phải giải tán do thiếu kinh phí và con người. Và để tăng số trận cho giải, VFF đã phải động viên các địa phương cử đội hình hai tham dự...Muốn phát triển cần phải có đội ngũ nhân sự chất lượng. Và bài học từ Thái Lan và nhiều nền bóng đá phát triển đang được VFF áp dụng. Để bù đắp vào khoảng trống về nhân sự, VFF đã chấp nhận đi ngược với xu thế chung là tham gia công tác đào tạo trẻ. Các đội tuyển trẻ từ U14, U16 đến U19 được thành lập và VFF đã cử chuyên gia đi khắp nước để tìm kiếm, phát hiện nhân tài. Các đội dự tuyển này sẽ kết hợp với những trung tâm đào tạo hàng đầu cung cấp đủ nhân sự cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí, nếu bóng đá nữ Việt Nam muốn vô địch SEA Games, cải thiện thứ hạng ở châu lục, hoặc giành vé đến World Cup thì phải trông vào lứa “gà nòi” này.Thay vì trông đợi vào sự ủng hộ từ xã hội, việc VFF quyết định đi tắt đón đầu là hết sức cần thiết. Bởi nói cho cùng, trong tương lai gần, rất khó để giải bài toán về tài chính cho bóng đá nữ, mà muốn nâng tầm, bằng mọi giá chúng ta phải xây dựng lực lượng.